BBC - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tinh thần của những người cộng sản Việt Nam căn dặn những phóng viên báo chí và truyền thông phải đảm đang, đóng vai trò của một người làm dâu trăm họ.
Thời ông truyền dạy là những năm sáu mươi ở miền Bắc. Thời kỳ huy hoàng "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng" như ông Tố Hữu từng viết.
Thời của những nàng dâu còn hiền thục. Thời làm dâu, ở riêng may thì tránh được tiếng bấc, tiếng chì, cái đành hanh, ích kỷ của gia đình chồng.
Song thời nay, số phóng viên như ông Hồ mong mỏi không có nhiều. Vụ án chưa đến hồi kết về tranh chấp bản quyền giữa VTV và Bùi Minh Tuấn, chỉ ra bộ mặt khoe hình, khoe dáng Việt Nam vắng bóng dâu hiền, dâu đảm.
Các phóng viên VTV tranh luận hàng giờ, ra tay xử phạt chém ai bất đồng ý kiến trên mạng Facebook.
Lướt qua những tâm sự của các phóng viên, số ít trong họ có năng lực cao, ăn nói thấu tình, đạt lý. Song quá nhiều thể hiện ngôn ngữ đường phố không chấp nhận nổi. Nên chăng cần có một bộ luật về nguyên tắc ứng xử trong báo chí ? Đi xa hơn nữa là ngăn chặn hay kỷ luật, sa thải.
Phản hồi trên trang chính VTV News thì ngôn từ và lập luận gây nhiều phản cảm, không thích hợp với đạo đức nghề nghiệp và lương tâm của những người phóng viên. Đáng chê trách vì đây là nơi cần thể hiện hơn đâu hết khuôn mặt văn hoá Việt Nam.
Kỷ luật lao động và trách nhiệm công dân đi sâu vào qua những hiện tượng trên đều là những vấn đề nhức nhối. Mẹ chồng kiểu xưa nhìn thấy 'dâu hiền, dâu đảm' kiểu này chắc cum cúp đi vào xó bếp, không dám nhìn lên.
'Mình tự lừa mình'
Gác ngoài tai dư luận trái suy nghĩ của mình, coi nhẹ đồng tiền người dân đóng thuế nuôi họ, những người tin tưởng trao cho họ quyền đại diện văn hoá của Việt Nam, VTV đã thể hiện sự khủng hoảng đạo đức nghề nghiệp. Thời điểm này vẫn quân đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng.
Một chuyện đơn giản, cứ chạy vòng quanh, không ai dám chịu trách nhiệm. Khẩu hiệu thường thấy trên đường phố Hà nội thường kẻ màu vàng, màu đỏ ‘Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh’, chắc kẻ ở mọi chỗ, mọi nơi trở nên bão hòa, mất cái thiêng?
Trách họ ư? Có phải lỗi chỉ tại lớp trẻ, hay một hai cá nhân 'cá không ăn muối'?
Cá cần nước để sống, chứ sang giai đoạn cần muối là hết rồi.
Việc chạy đua vào các cơ quan nhà nước đã là một cuộc chấp nhận bước vào ngưỡng cửa tự lừa dối bản thân.
Đồng lương chính thức, đồng lương phải khai thuế thu nhập ở tất cả các nước đều phải đảm bảo cuộc sống cho bản thân, nuôi gia đình, tích lũy và đầu tư để ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Ở Việt Nam, trong các cơ quan nhà nước, với văn bản chính thức về mức lương, liệu có trong sáng và thuyết phục? Lừa người dễ hơn lừa mình. Mình tự lừa mình thì là cái cuối cùng của bậc thang đạo đức thì chuyện lừa người đâu có khó.
"Đói đầu gối phải bò", phải có kế hoạch để nuôi sống nhau. Vô hình chung phải thông đồng, bén giọt với nhau để có kế hoạch ngầm, kế hoạch kiếm thêm đồng ra đồng vào, để về nhà còn vui vẻ, ra oai được với vợ "nổi lửa lên em".
Trách ai?
Vậy trách ai bây giờ?
Cơ chế như thế, cộng với nạn 'nội hôn', nghĩa là ưu tiên con em trong ngành, cộng điểm, ưu tiên làm cho cái cây đã yếu, lại càng cớm nắng.
Còn đâu những người dũng cảm, sẵn sàng chết cho một lý tưởng vì dân, vì nước ở tuổi chưa đến tuổi 20. Bây giờ chỉ còn những ông già lụ khụ, lệt bệt đi đôi dép ra công viên tập thể dục.
Đương chức, đương quyền chẳng ai dám đập nồi cơm của mình nếu không có tài tự mình xây dựng cơ đồ mà phải ăn theo, ăn dựa vào cơ chế. Chỉ đến khi cầm chắc sổ hưu trong tay, mới thổ lộ vài bức xúc, như ôm cái phao hạ cánh an toàn. Cả cuộc đời cứ gói tròn trong chữ cá nhân.
Ông Hồ Chí Minh nói :
"Nay ở trong thơ nên có thép" Nhà thơ cũng phải biết xung phong"
40 năm hoà bình là thời gian xả hơi sau hành trình dài chiến tranh, họ đã đánh mất cái cốt lõi là sự đùm bọc, hy sinh cho nhau.
Tư duy đập phá, tạm bợ của thời chiến chưa thanh toán trọn gói. Họ chẳng còn là những người lính đi đầu, mà thành những kẻ hái lượm. Đạo đức không được đề cao, luật pháp lỏng lẻo, đến chó còn sợ trộm, thì việc hái vài trái cây trong vườn người khác theo họ chưa nghiêm trọng. Nên sự ngạc nhiên và lớn lối của nhiều phóng viên VTV là điều dễ hiểu. Mặc dù không thể thông cảm hay bỏ qua.
Sự mở cửa, hội nhập quốc tế là cơ hội cho những cá nhân có tài và có chí. Họ tạo nên những khác biệt và chênh lệch giầu nghèo rõ rệt. Cơ chế cứng nhắc, thiếu uyển chuyển của hình mẫu bao cấp bị đẩy vào thế bị động. Họ phải liên kết, co cụm để tồn tại hoặc một con đường ngầm để nuôi sống và làm giàu.
Trách ai? Trách đạo đức xã hội xuống cấp, trách quan không ra quan, quân không ra quân hay tự trách mình ? Những câu hỏi không dễ giải đáp.
Song cũng cần nhìn nhận đây là cơ hội cho VTV soi lại mình.
Từ một sai lầm họ có dịp loại bớt những con sâu làm rầu nồi canh. Nếu một cá nhân phải bươn trải để kiếm sống mà vẫn làm được những video lọt ‘mắt xanh’ chuyên nghiệp của VTV thì nên chăng mời những người như Bùi Minh Tuấn thế chỗ dăm ba người vừa văng tục, ăn cắp và thiếu chuyên môn?
Mà mời chắc gì một người như Bùi Minh Tuấn chấp nhận bước vào môi trường vừa không có ‘nước’ mà cũng chẳng có ‘muối’. Như nơi chẳng có gì để ăn và chẳng có luật.
Một cô gái Hà Nội gửi cho tôi chiếc bưu thiếp Việt Nam: bông sen xanh duyên dáng trên mặt nước tù và hàng chữ trích lời sư Viên Minh.
“Dù đang sống giữa bùn nhơ Thì quan trọng vẫn là đóa tâm nào sẽ nở từ đống bùn tối tăm và nhầy nhụa ấy.”
Và tôi muốn lấy mấy chữ để trả lời em, cũng là đồng nghiệp viết báo như tôi từ những khổ chữ trong chuyện Kiều của Nguyễn Du:
“Thiện căn bởi tại lòng ta» Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Tài còn thiếu thì giữ cái Tâm cho sáng.