Dân Trí - Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM, việc trung tâm đề xuất chi 1.400 tỷ đồng mua 63 xe bơm di động để chống ngập chỉ mới là con số tính toán đại khái, chưa có gì cụ thể. Ông cũng từ chối tiết lộ các thông số chi tiết về số xe này.
Thời gian qua, phương án mua 63 xe bơm di động để chống ngập của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM với kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng bị dư luận phản ứng vì giá trị xe quá cao và tính lãng phí của nó khi xe bơm di động thường rơi vào cảnh “nằm đắp chiếu chờ mưa ngập”.
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TP.
Ông Dũng cho biết, thực tế hiện nay các tuyến cống trên địa bàn thành phố không đủ khả năng thoát nước khi trời mưa lớn. Ông Dũng dẫn chứng lại trận mưa lịch sử vào tháng 9/2015 khiến hàng chục tuyến đường trước đây không ngập cũng bị tràn cống. Lúc đó, thành phố không đủ máy bơm để giải quyết ngập úng trên các tuyến phố.
Theo ông Dũng, trong thời gian chờ đợi các công trình chống ngập mang tính dài hạn vốn tốn nhiều thời gian, kinh phí thì thành phố cũng cần những phương án cấp bách để chống ngập.
“Việc đề xuất mua xe bơm di động chính là giải pháp cấp bách và mang lại hiệu quả ngay tức thì”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng khẳng định mô hình này đã được sử dụng tại nhiều nước và hiệu quả rất rõ rệt. Ông dẫn chứng thủ đô Băng Cốc của Thái Lan và nhiều nước châu Âu, Nhật Bản cũng sử dụng máy bơm di động dù ở các nước này mưa lớn không thường xuyên.
“Năm 2011, khi thủ đô Băng Cốc chống ngập thì thành phố có cử đoàn qua học hỏi. Theo số liệu phía bạn thì để bảo vệ thủ đô, họ huy động toàn bộ các máy bơm để thoát nước, với tổng công suất lên đến 1.600 m3/giây. Trong đó, họ có sử dụng xe bơm di động. Còn thành phố chúng ta thì chỉ có vài trạm bơm cố định với tổng công suất chưa tới 200 m3/giây nên không đủ khả năng hỗ trợ thoát nước khi gặp mưa lớn”, ông Dũng nói.
Khi được hỏi căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất chi 1.400 tỷ đồng mua 63 xe bơm di động, ông Dũng không trả lời chi tiết mà cho biết đó chỉ là đề xuất dựa trên tính toán đại khái, để triển khai thì phải trải qua nhiều giai đoạn nữa.
Ông nói: “Mình có quen một số đơn vị tư vấn thì mình nhờ họ hỗ trợ thông tin mà họ biết, chẳng hạn như trên thế giới có loại gì? Rồi mình dựa vào mức giá bình quân, nơi sản xuất, tiêu chuẩn khác nhau, tính năng, công suất… và đưa ra lựa chọn. Số liệu trình lên thành phố chỉ là tính toán sơ bộ. Nếu thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư thì mới bắt đầu mời tư vấn chính thức vào làm việc và tiến hành các bước theo quy định”.
Theo ông Dũng, sau khi thành phố đồng ý chủ trương mới mời tư vấn vào nghiên cứu, khảo sát và đề xuất số liệu cụ thể, mua bao nhiêu xe, công suất thế nào, tính năng ra sao, mua xe trong nước hay nước ngoài, giá trị bao nhiêu…
Tuy nhiên, theo tài liệu PV Dân trí có được thì trung tâm chống ngập đã có báo cáo thẩm định nội bộ rất chi tiết việc đầu tư 28 xe bơm công suất 20m3/phút, 23 xe bơm công suất 30m3/phút, 12 xe bơm công suất 40m3/phút. Và 63 xe bơm này được tính giá trị sau thuế là 1.264 tỷ đồng. Trung tâm đề xuất mua 63 xe với công suất bơm khác nhau dựa trên số liệu ngập của 30 tuyến đường thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa.
Ông Dũng né tránh trả lời về các con số cụ thể trên, ông chỉ cho rằng: “Theo các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thì TPHCM là một trong mười thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chúng ta không ai dám chắc là trong thời gian tới không xuất hiện trận mưa lịch sử như vừa qua nên mình phải phòng bị. Phải phòng bị những tình huống xấu nhất. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận “nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ” để bảo vệ thành phố!”.
Theo ông Dũng, so về hiệu quả thì bơm cố định sẽ hiệu quả hơn vì công suất lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay để triển khai trạm bơm cố định cũng gặp khó khăn như giá thành cao, thiếu quỹ đất và thiếu tính linh động trong khi mưa thì diễn ra ở các địa bàn khác nhau. Chính vì thế, chọn phương án xe bơm di động là phù hợp hơn cả.
Ông Dũng nói: “Nếu so sánh bài toán kinh tế giữa bơm cố định và bơm di động thì phải đưa ra một công suất cụ thể để tính toán thì mới biết được. Còn bơm nào thì cũng phải tốn kinh phí vận hành, bảo trì…”.