Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Lãnh đạo phải biết hổ thẹn

Lê Thanh Phong

LĐO - Ba thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng có những chuyển động tích cực từ đầu năm, một luồng sinh khí mới đang thổi vào đời sống. Người dân háo hức trước những tín hiệu của sự thay đổi, trên mỗi mâm cơm gia đình, trong những bữa tiệc chung hay ở quán cóc bên đường, nơi đâu cũng nghe người dân bàn đến những vị lãnh đạo của địa phương mình.

Người dân nói về ông bí thư, ông chủ tịch của thành phố với niềm tin rằng họ là những nhân tố mới, sẽ có những quyết sách mới. Niềm kỳ vọng của dân, sự khát khao đổi mới của dân đã quá lâu, cho nên chỉ cần một động thái chăm lo cho dân rất nhỏ của lãnh đạo, cũng tạo ra niềm vui, niềm hứng khởi.

Sự khát khao của dân nói lên một điều, cái bảo thủ, sự trì trệ đã tồn tại quá lâu, kìm hãm sự phát triển. Có những điều không thể không làm và làm không khó, nhưng đã không làm hoặc làm rất kém. Như nhà báo Đoàn Quý Lâm đặt câu hỏi đến lãnh đạo TPHCM: “Lực lượng vũ trang của ta rất hùng mạnh, tại sao đánh thắng ngoại xâm mà lại không dẹp nổi đám thảo khấu nhãi nhép hoành hành trong lòng thành phố mình? Là một người đàn ông, tôi thấy hổ thẹn. Ông thì sao? Tôi cho rằng, những người có trách nhiệm cần phải biết hổ thẹn”.

Đáng tiếc là có nhiều người không biết hổ thẹn. 

Lo cuộc sống bình yên cho dân là công việc đương nhiên phải làm, nhưng trộm cướp như rươi, kéo dài nhiều năm, đe dọa từng gia đình. Dân bị ám ảnh tội phạm đến nỗi, chỉ cần nói đến “kéo giảm tội phạm” là nức lòng bá tánh. Thế mới hay, lãnh đạo nợ dân nhiều quá. Không chỉ tội phạm, mà còn nhiều thứ dân đang đặt lên bàn của các vị lãnh đạo mới. Phải trả hết các món nợ kẹt xe, ngập nước cho dân.

Sức ép của món nợ đã lớn, sức ép của niềm tin và sự kỳ vọng của người dân đặt lên vai các vị lãnh đạo còn lớn hơn. Người lãnh đạo có tâm sẽ thấy trách nhiệm nặng nề của mình, không thể để cho dân thất vọng. Việc lớn dân trao, phải canh cánh trong lòng, “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối”. Nếu xao lãng việc công, chỉ lo vun vén cho cái riêng, thì có tội với dân với nước.

Dân thấy hết, biết hết. Ông quan nào tham ô, ông quan nào liêm khiết, ông quan nào vì dân, ông quan nào mị dân. Biết tất.

Lòng dân đã rõ, đòi hỏi đổi mới rất cấp bách, hy vọng vào tài năng, tâm đức của các vị lãnh đạo. Hãy làm sao cho ngày mai, khi rời chiếc ghế lãnh đạo, người dân nuối tiếc và kính trọng, thay vì vỗ tay hoan hô “may cho dân quá”.