Dân Việt - Họ đã “ngáo”, đã bị chi phối bởi ảo giác về việc kiếm tiền một cách dễ dàng. Một dạng “ngáo” đáng sợ hơn “ngáo đá” rất nhiều bởi đây là “ngáo” niềm tin.
“Ngáo” vốn có nghĩa là ngơ ngác, không ý thức mình đang ở thực tại. Từ “ngáo” được sử dụng nhiều hiện nay trong khái niệm “ngáo đá” chỉ những kẻ sau khi dùng ma túy đá và có biểu hiện bị chi phối bởi ảo giác. Nhưng “ngáo” thực ra đã trở thành một hiện tượng phổ quát ở thời đại mà chúng ta đang sống.
60.000 nạn nhân của tổ chức bán hàng đa cấp Liên kết Việt, và hàng trăm nghìn nạn nhân của các tổ chức đa cấp khác trên khắp đất nước này. Họ đã “ngáo”, đã bị chi phối bởi ảo giác về việc kiếm tiền một cách dễ dàng. Một dạng “ngáo” đáng sợ hơn “ngáo đá” rất nhiều bởi đây là “ngáo” niềm tin.
Trước khi “ngáo đá”, trước khi trở thành những con nghiện ma túy, người ta biết rằng mình sẽ dính vào thứ gì, sẽ đối mặt với những sự trừng phạt của luật pháp, sự khinh rẻ của cộng đồng. Còn những nạn nhân của các tổ chức bán hàng đa cấp thì có một niềm tin vững chắc vào sự thành công của cuộc đời. Thứ ma túy mà họ dính phải, là mơ ước giàu sang, thứ mơ ước được cổ vũ bởi truyền thông, được phân phối bởi những tổ chức có môn bài, được chứng nhận bởi các danh hiệu đóng dấu đỏ, có chữ ký của những người khả kính.
Khi gã chủ Liên kết Việt bị bắt. Chúng ta nhìn 60.000 nạn nhân của nó, những người bị lừa mất cả ngàn tỷ đồng bằng ánh mắt thương hại, và dè bỉu. Chúng ta phán xét “nếu không tham giàu, tham nhàn thì đâu đến nỗi”. Nhưng ai trong chúng ta không ham giàu có mà nhàn hạ?
Những người nông dân với khát vọng được ăn trắng mặc trơn “như người thành phố”. Những cô cậu sinh viên ngơ ngác trưởng thành trong mặc cảm mình phải làm gì đó để không phải ăn bám mẹ cha, để nhanh chóng có tiền báo hiếu. Họ tin ở luật pháp, họ tin những tổ chức được nhà nước cấp phép hoạt động thì không phải lừa đảo, họ tin những tấm ảnh chụp chung cùng lãnh đạo, những cúp vàng, danh hiệu, bằng khen… đóng dấu quốc huy là một sự chứng thực đàng hoàng và tử tế.
Đừng trách họ “ngáo” tiền, họ “ngáo” niềm tin. Họ không thể biết rằng niềm tin của họ chỉ là ảo giác khi mà những bức ảnh, những danh hiệu, bằng khen, những con dấu mà họ nhìn thấy đều hoàn toàn có thật. Chỉ đến khi những kẻ cầm đầu Liên Kết Việt bị bắt thì họ mới có thể nhìn ra một sự thật, rằng người ta có thể điều chế được một thứ niềm tin tổng hợp gây ảo giác từ những nguyên liệu hoàn toàn hợp pháp, thậm chí là cao quý. Đã quá muộn rồi!
“Ngáo” không chỉ là căn bệnh của những kẻ tìm đến ma túy để chạy trốn nỗi chán đời, không chỉ là bi kịch của những người dân nghèo tìm đến đa cấp để chạy trốn nỗi mặc cảm thấp kém. “Ngáo” còn là căn bệnh của hàng triệu con người đăng nhập mạng xã hội mỗi giờ để chạy trốn con người thật của mình, chụp ảnh 360 độ để chạy trốn nhan sắc, viết những điều vu vơ trên dòng thời gian ảo để quên đi sự nhàm chán, buồn tẻ của cuộc sống.
Chúng ta đều đang “ngáo” trong những sắc thái khác nhau của cuộc sống muôn màu bế tắc. Những người buồn tẻ và bế tắc “ngáo” ma túy, những người nghèo khó và bế tắc “ngáo” sự giàu nhanh, những công chức sáng cắp ô đi tối cắp về, những đứa trẻ ngồi triền miên trong các lớp học thì “ngáo” mạng xã hội, những người giàu có, quyền lực nhưng bế tắc vì ý nghĩa của cuộc sống thì “ngáo” các kỷ lục nên mới có những cái bánh chưng khổng lồ và tháp truyền hình cao nhất thế giới.
Tuần trước, Mark Zuckerberg- ông chủ facebook, người đàn ông quyền lực nhất hành tinh đi giữa những đại biểu tham dự buổi ra mắt một sản phẩm công nghệ thực tế ảo. Cả hội trường không ai nhìn ông ta, tất cả đang say sưa trải nghiệm với chiếc kính thực tế ảo. Người đàn ông đó hãnh diện khoe bức ảnh chụp lại khoảnh khắc này và bảo “đó là tương lai”. Một sự “ngáo” không hề nhẹ!