SoHa - Những ngày này, người Thủ đô nói về nhiều về thẩm mĩ và nghệ thuật. Họ chê bai những vật phẩm trang trí màu mè loè loẹt trên từng con phố làm hỏng nét cổ kính của đất Kinh Kỳ.
Khi một tác phẩm khiến đám đông không hiểu, nó trở thành nghệ thuật. Khi nghệ thuật khiến cho cả người sáng tạo ra nó cũng không hiểu, thì nhiều khả năng sẽ được mang ra trang trí cho phố phường Hà Nội.
Yếu tố chủ đạo vẫn là hoạ tiết floral vector nước Pháp cách điệu đan xen hoa đào Nhật Tân nhựa mica dập nổi, thiết kế giản dị bằng phần mềm Paint cơ bản của Windows.
Người khen cũng có, kẻ lại chê rằng màu sắc, hình khối quá đậm chất origami làng Cót vẫn hay được đốt dịp Rằm.
Đài phun nước trung tâm rực rỡ với 20 cây rau muống biển sắp xếp hài hoà, cân đối tượng trưng cho không khí gia đình sum vầy khi Tết đến.
Cũng có ý kiến cho biết nếu có thêm hình ảnh miếng thịt thăn bò bên cạnh nữa thì dứt khoát đây sẽ là biểu tượng ẩm thực xứng tầm châu lục.
Tuy nhiên lại có người phản đối, với lý do sở Văn Hoá đã công bố rằng đó là hoa tóc tiên chứ không phải hoa rau muống.
Ở một thành phố có rất nhiều thứ bề bộn phải làm, thì việc nhầm tên loài hoa dựng tạm vài ngày là dỡ cũng không lạ.
Nghệ thuật thường không dành cho công chúng, những người phản đối đèn hoa trang trí Hà Nội cuối năm, chắc cũng không khác nhiều với đám đông trần tục giận dữ ở Florence nước Ý đốt bỏ những kiệt tác nghệ thuật vô giá cách đây 6 thế kỷ.
Rất có thể hàng trăm năm sau, những bức ảnh chụp đường phố Thủ đô hôm nay, sẽ được mang trưng bày trang trọng ở các bảo tàng nghệ thuật khắp thế giới. Nhân loại rồi sẽ phải sửng sốt, kinh ngạc trước những kiệt tác phong cách Châu Âu ánh màu đèn LED.
Suy cho cùng, việc tranh cãi là không cần thiết, vì đằng nào chỉ đến sáng mồng một thôi, tất cả sẽ đều lũ lượt rời Thủ đô về quê ăn Tết, trả lại cho người Hà Nội cả đèn, hoa lẫn đường phố trống không như mùa đông năm 1946.