Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Đừng lôi người dân ra để nói

Đào Tuấn

LĐO - Một bình cứu hỏa nổ trong xe ở Tiền Giang đến nứt loa xe, tung tay nắm. Ở Bến Tre, khi mang bình ra để vệ sinh xe, chiếc bình cứu hỏa nổ tung. Nổ, ghê rợn đến mức thủng mái tôn.

Rất ý thức công dân, người lái xe đã trình báo công an để có biên bản về vụ nổ. Và khi một tờ báo hỏi cảm tưởng, người tài xế nhún vai rằng may mà xe đang không chạy trên đường!

Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi đang chạy với tốc độ cao mà lại xảy ra một vụ nổ ngay bên tai. Không biết nếu xảy ra một vụ xe điên khi “một quả bom nổ trong xe” thì sẽ có bao nhiêu nạn nhân của một chiếc bình? Thì ai sẽ chịu trách nhiệm với những người vô tội?

Hai vụ nổ liên tiếp. Có lẽ là quá đủ, quá nhiều. Có lẽ đó chính là lời cảnh báo cho một trong những chính sách quá tai tiếng.

Hôm qua, khi viết về Thông tư 57, TS Nguyễn Minh Hòa đã nhắc tới việc xây cầu Mỹ Thuận hơn 2 thập kỷ trước.

Năm 1993, khi việc khởi công xây cầu này đã hoàn tất, nhà tài trợ là Chính phủ Australia không rót tiền ngay mà yêu cầu phía Việt Nam phải tiến hành một nghiên cứu để trả lời câu hỏi về số phận của hàng trăm người sống bám vào những con phà qua lại trên sông Tiền hằng ngày sẽ đi đâu, về đâu, sống như thế nào, cần phải hỗ trợ mưu sinh ra sao.

Một cây cầu ra đời ở Việt Nam, làm lợi cho Việt Nam, nhưng làm thiệt cho dù chỉ một thiểu số người dân, cũng Việt Nam - là điều mà Chính phủ Australia không chấp nhận!

Và ông chỉ ra điểm yếu chí tử trong việc làm chính sách ở Việt Nam. Rằng dù “cơ man nào là cục, vụ, viện, trung tâm” nhưng một loại viện nghiên cứu thẩm định chính sách - quan trọng nhất thì lại không có.

Đó chính là nguyên nhân không chỉ Thông tư 57 ban hành cứ ban hành nhưng không hề đặt ra những câu trả lời về điều kiện thực hiện, về những ảnh hưởng, về vấn đề lợi ích và thiệt hại.

Bởi rõ ràng, vấn đề sẽ không bức xúc đến thế nếu trước khi ban hành chính sách, có các cuộc thảo luận, trưng cầu ý kiến các chuyên gia và chính nhân dân.

Các nhà làm luật có thể bịt tai che mắt trước dư luận, trước mong muốn nguyện vọng và cả những bức xúc của người dân! Nhưng giờ đây, đã có những lời cảnh báo nghiêm túc - bằng thực tế - cho “thông tư bình đỏ” này và rõ ràng, nó hoàn toàn không còn lý do gì để tồn tại nữa!

Và xin nói thật là đừng lôi người dân ra để nói “đa số người dân đồng tình”! Điều đó quá xúc phạm đến sự giận dữ của người dân trước một chính sách bất chấp chính nhân dân.