Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Đối phó chứ không vì an toàn

Ân Lê

NLĐO - Câu chuyện >>> hài đang gây sốt trên mạng: Tèo chết, mang cái mặt cháy đen xuống âm phủ. Diêm Vương hỏi vì sao, Tèo trả lời: “Con đang chạy ô tô thì bình chữa cháy trong xe nổ tung”.

Tèo bị Diêm Vương mắng dại dột, vì ai lại đi để bình chữa cháy trong xe, không chết mới lạ. Tèo òa khóc kể rõ sự tình, Diêm Vương nghe xong cũng khóc ròng vì cái quy định kỳ quặc trên dương gian!

Câu chuyện trên được cộng đồng mạng “like” tích cực bởi vì trúng ý nhiều người. Đừng xem thường chuyện dân gian trên mạng xã hội vì bản thân nó phản ánh một phần tiếng nói của cuộc sống. Không phải những chuyện được “like” nhiều thì luôn luôn đúng nhưng cũng có nhiều chuyện cực đúng. Việc phản biện quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên ô tô là ví dụ.

Ô tô tự nhiên bốc cháy là chuyện cực hiếm. Trên thực tế đã xảy ra vài trường hợp nhưng xe tự bốc cháy chiếm tỉ lệ rất thấp. Tuy chưa có thống kê cụ thể song cao lắm không đến chục trường hợp trên cả triệu chiếc. Nếu phân tích kỹ sẽ thấy xe tự bốc cháy do chủ phương tiện cẩu thả, để xăng dầu rò rỉ, không sửa chữa, bảo trì; còn đa số ô tô đời mới, hiện đại thì khó có thể “bỗng dưng bốc cháy”.

Vì một vài trường hợp ô tô cháy mà lại đưa ra quy định áp đặt cho hàng triệu chiếc còn lại là một sai lầm. Sai lầm lớn hơn là số lượng xe an toàn chiếm đa số lại bị “cài” những “quả bom nổ chậm” vào, có nghĩa là bị đặt trong tình trạng mất an toàn vì có thể xảy ra nổ bình chữa cháy bất cứ lúc nào. Cho nên, chuyện anh Tèo lái ô tô bị nổ bình chữa cháy khiến anh tử vong là sự cảnh báo. Ai cũng có thể là Tèo!

Có một vài quốc gia trên thế giới quy định trang bị bình chữa cháy trong ô tô nhưng bình chữa cháy được kiểm định bởi cơ quan khoa học có uy tín và được nhà nước cho phép sản xuất. Ở Việt Nam, bình chữa cháy trôi nổi, mấy ngày qua trên thị trường “cháy” hàng, đa số là hàng Trung Quốc, không có xuất xứ, không có tem kiểm định, mua để trên xe chẳng khác gì đùa với tử thần. Thế nhưng, vì sợ bị công an phạt nên người dân tranh nhau mua, bất chấp nguy hiểm.

Một yếu tố khác mà các nhà làm chính sách không thể không tính đến, Việt Nam là nước nhiệt đới, mùa hè nắng nóng gay gắt có khi lên đến 40 độ C, ô tô đậu ngoài trời có thể bị nung nóng lên 60-70 độ C. Thế thì, nổ bình chữa cháy không phải là chuyện tưởng tượng.

Dân đang ăn yên ngủ ngon, tự dưng phải hứng chịu một chính sách trên trời, phải chạy đi mua bình chữa cháy để đối phó với việc kiểm tra - xử phạt, không phải vì nhu cầu an toàn thực sự. Từ nay trên mọi nẻo đường Việt Nam, ngoài cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông còn có cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra cháy nổ.

Sẽ có thêm xử phạt và sẽ có thêm hối lộ. Dân khổ mặc dân, còn anh sản xuất, buôn bán bình chữa cháy lại hớn hở vì được vỗ béo nhờ chính sách.