(GDVN) - Mọi năm, giáo viên phải căng sức để đối phó với các đợt thanh tra về trường. Cho nên khi có đổi mới thanh tra, giáo viên như trút được gánh nặng.
LTS: Sáng 17/12 vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo trực tuyến Đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện có nghĩa là sẽ không còn hoạt động thanh tra dự giờ. Thông tin này khiến nhiều giáo viên như “mở cờ trong bụng”, như trút được gánh nặng.
Với nhiều năm hoạt động trong nghề, từng chứng kiến nhiều đợt thanh tra, cô giáo Đỗ Quyên mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân mà khi không bị thanh tra giáo viên mừng rỡ.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trước thông tin thanh tra giáo dục theo tinh thần đổi mới khiến giáo viên vui mừng vì không phải lo lắng cuống cuồng để chuẩn bị hồ sơ sổ sách, tiết dạy khi có thông tin thanh tra về trường.
Giáo viên cũng hồ hởi và không ít người thắc mắc: Liệu thông tin đó có phải là sự thật không?
Ở bất cứ trường nào, Ban giám hiệu nào, giáo viên nào khi nghe từ “thanh tra về trường” đều cảm thấy vô cùng áp lực và mệt mỏi. Bởi theo họ, thanh tra về đồng nghĩa với việc sẽ bị “bới lông tìm vết”.
Bởi khi có thông tin “thanh tra về trường” khiến Ban giám hiệu đến giáo viên lo sốt sắng bởi họ phải chuẩn bị mọi thứ.
Ban giám hiệu phải chuẩn bị báo cáo, kế hoạch, hồ sơ chuyên môn, thậm chí là các biên bản họp hội đồng sao cho đầy đủ các nội dung.
Còn giáo viên thì lo từ việc trang trí lại phòng học để khang trang hơn, lo hồ sơ sổ sách cá nhân, hồ sơ tổ chuyên môn sao cho đầy đủ, chi tiết, đồ dùng học tập chuẩn bị chu đáo, các tiết dạy làm sao để trơn tru vừa đảm bảo nội dung vừa đúng thời gian quy định.
Để hoàn thành tốt những việc này thì giáo viên phải bỏ ra nhiều công sức, cả ngày trên trường tối về lo xong việc nhà thì chỉ còn 1-2 tiếng đồng hồ nên cũng không làm được nhiều.
Thế là, giáo viên lại bớt xén giờ dạy trên lớp, ăn cắp thời gian của học sinh để ngồi ghi ghi chép chép hết sổ này đến sổ khác.
Khi chuẩn bị xong hồ sơ sổ sách thì giáo viên lại bắt đầu lo “gà” bài cho học sinh. Bởi nếu không “gà”, không “mớm” trước thì không thể kết thúc tiết học khoảng 35 phút theo quy định.
Vì nếu giáo viên dạy quá số thời gian đó có nghĩa là “cháy giáo án” thì dù có dạy hay, tiết học đạt hiệu quả thì cũng chỉ được xếp loại Khá, Trung Bình thậm chí là không được xếp loại.
Khi công tác chuẩn bị đã xong xuôi nhưng ngày thanh tra về thì thực sự căng thẳng. Thành phần đi thanh tra là chuyên viên của Phòng, là các Ban giám hiệu các trường với số lượng khoảng vài chục người vào các lớp dự giờ.
Thường thì thanh tra sẽ về kiểm tra trong 2 ngày nên mỗi giáo viên phải chuẩn bị hơn chục tiết học để sẵn sàng dạy khi nhận được yêu cầu. Mọi người băn khoăn rằng: “Giáo viên thì sao lại lo khi có người dự giờ?”.
Thực tế là, tiết học trên lớp hàng ngày khác xa với tiết học dạy để thanh tra dự giờ. Bởi hàng ngày, giáo viên có thể kiểm tra bài cũ tới 10 phút, phần tìm hiểu bài có thể kéo dài hơn 20 phút, những phần dễ thì dạy lướt qua, phần khó, phần trọng tâm thì hướng dẫn để các em làm đi làm lại nhiều lần.
Nhưng khi có người dự giờ thì giáo viên phải thực hiện đúng quy định về thời gian cho từng phần, từng hoạt động sao cho cân đối. Nếu không thực hiện đúng thì sẽ “được” nghe nhận xét: “Sao kiểm tra bài cũ nhiều thế?” hoặc “Nên sử dụng nhóm 2 học sinh trong hoạt động này sao lại nhóm 4?..”.
Do không phải thanh tra nào cũng giỏi chuyên môn để góp ý cho giáo viên trực tiếp giảng dạy hôm đó. Có người dù nằm trong Ban giám hiệu nhưng khi còn là giáo viên họ chưa một lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi.
Do vậy, những góp ý của họ đôi khi chỉ mang ý kiến cá nhân nhưng nếu giáo viên có ý kiến phản hồi thì lập tức bị cho là “Dám cãi thanh tra…”
Câu chuyện về tiết học đã như vậy, chuyện hồ sơ sổ sách còn nhiều vấn đề hơn. Thanh tra kiểm tra thiết kế bài giảng của từng người ra săm soi từng câu, từng chữ, từng lỗi chính tả, từng phông chữ, cỡ chữ…
Do không có thời gian để đọc từng dòng, từng trang thiết kế bài giảng nên thanh tra sẽ giở ngẫu nhiên.
Không may cho giáo viên nào bị lật đúng trang có một lỗi sai sót nào đó thì liền bị quy chụp là soạn bài thiếu xót, sơ sài.
Điều này có nghĩa là sẽ được nhắc tới trong Hội đồng nhà trường và ảnh hưởng trực tiếp đến thi đua cuối năm.
Một năm có biết bao đợt thanh tra từ cấp trường đến cấp Sở, hết thanh tra chuyên đề, thanh tra chuyên môn rồi thanh tra toàn diện, thanh tra đột xuất...Nhà trường vừa thanh tra xong, Phòng GD&ĐT lại về rồi tiếp tục đón tiếp Sở GD&ĐT.
Giáo viên ngoài việc lo dạy dỗ học sinh còn phải căng sức để đối phó với các đợt thanh tra về trường. Vì những lý do trên, nên mọi người cảm thấy như được trút đi gánh nặng trước thông tin đổi mới việc thanh tra.