Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Mạng Facebook sắp hết thời?

TRUNG NHÂN

(PL)- Trong số tám trang mạng xã hội dẫn đầu thế giới hiện nay, Facebook là trang duy nhất có xu hướng người truy cập trang giảm dần từ năm 2014. Nhiều trang mạng khác đã nổi lên, thiết thực hơn, ít xâm lấn đời tư và lành mạnh hơn cho tâm lý người dùng.

Facebook chắc chắn vẫn chễm chệ tại vị trí mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, cách mà chúng ta sử dụng Facebook đang dần thay đổi. Đã có những dấu hiệu cho “ngày tàn” không xa của Facebook.

Lượng truy cập ngày càng giảm

Tạp chí Forbes đánh giá trang mạng xã hội Facebook đang dần trở thành một môi trường giao tiếp trên mạng thụ động hơn nhiều so với quá khứ huy hoàng của nó. Theo một bản khảo sát toàn diện của trang Global Web Index, trong số tám trang mạng xã hội dẫn đầu thế giới hiện nay, Facebook là trang mạng xã hội duy nhất có xu hướng người truy cập trang giảm dần từ năm 2014.

Xu hướng giảm số người truy cập này không chỉ diễn ra tại Mỹ mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, khảo sát của Global Web Index cho thấy các trang mạng xã hội “hậu bối” như Pinterest và Tumblr lại đang có sự tăng mạnh về mức độ hoạt động của người dùng, lần lượt với mức tăng là 97% và 95%. Công ty khảo sát Global Web Index - được xem là một trong những hãng nghiên cứu người dùng kỹ thuật số lớn nhất hiện nay đã tiến hành phỏng vấn hơn 170.000 người dùng tại 32 thị trường trên thế giới. Kết quả thu được cho thấy mức độ người dùng truy cập vào trang Facebook trong toàn năm 2014 đã giảm 9%, riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm đến 12%. Tại thị trường Trung Quốc, hai trang mạng WeChat và Qzone đã áp đảo Facebook trong giới trẻ nước này.

Điện thoại thông minh “làm khó” Facebook

Ngày một nhiều người dùng Facebook đăng nhập vào tài khoản của họ thông qua điện thoại di động. Điều này làm giảm thời gian tương tác của người dùng trên trang mạng. Khoảng 40% người dùng thừa nhận rằng họ thường chỉ đọc các thông báo trên điện thoại chứ ít khi đăng tải hoặc “comment”. Tờ Business Insider cho biết bản thân Facebook trong năm 2015 cũng đã phải thừa nhận doanh thu của họ thu về từ các ứng dụng Facebook bị giảm đi do người dùng đang dần rời xa những chiếc máy tính của họ, buộc Facebook phải tìm cách phát triển mảng ứng dụng trên điện thoại di động. Đặc biệt, giới trẻ giờ đây đang ngày một giảm tính tương tác của họ trên trang mạng xã hội “gây sốt” một thời này.

Trưởng bộ phận nghiên cứu xu hướng của Global Web Index, ông Jason Mander, cho biết: “Không phải Facebook đang dần bị bỏ rơi. Nói một cách chính xác hơn, người ta đang sử dụng Facebook không còn dồn dập và chủ động như trước kia”. Nguyên do của hiện tượng này là sự trỗi dậy của những ứng dụng mạng xã hội “đàn em”, chuyên biệt hơn về chức năng như ứng dụng đăng tải ảnh Instagram, ứng dụng chat WhatsApp, hay ứng dụng trò chuyện Kik. Mặt khác, việc điện thoại thông minh ngày một được sử dụng rộng rãi làm thay đổi phương thức sử dụng mạng xã hội. Mander giải thích rằng với lượng thời gian ít hơn và màn hình nhỏ hơn, người dùng trở nên thụ động hơn. Họ có xu hướng tìm đọc nhiều hơn là dừng lại và viết một điều gì đó thú vị.

Chấm dứt “căn bệnh truyền nhiễm”

Trong một nghiên cứu của Cục Cơ khí và Kỹ thuật Hàng không vũ trụ thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Mỹ), các nhà nghiên cứu cho biết phương tiện truyền thông xã hội là một loại bệnh dễ lây lan, trong đó có đầy đủ các giai đoạn như trở thành xu hướng, phát triển, đỉnh cao và rồi cũng tàn lụi. Các nhà khoa học này đánh giá mọi mô hình mạng xã hội đều có thể dễ chết đi nhanh chóng giống như bất kỳ một loại bệnh nào và sự phát triển của Facebook cũng sẽ có “ngày tàn” như vậy. Với việc dùng các loại bệnh để mô hình hóa “chuỗi đời” của phương tiện truyền thông xã hội, những mô hình này có thể được sử dụng để hiểu việc áp dụng hàng loạt và việc “ra đi nhanh chóng” của các mạng xã hội trực tuyến.

Các mô hình truyền thống về sự lây lan của dịch bệnh đã qua cập nhật cho rằng việc “phục hồi” đòi hỏi “vật chủ” phải tiếp xúc với một “vật chủ khác” không bị nhiễm bệnh, chẳng hạn một người không sử dụng Facebook. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng cho đến năm 2017, Facebook sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng về số lượng người dùng, trang mạng xã hội này mất đi 80% người dùng. Về cơ bản, người dùng Facebook sẽ mất hứng thú với Facebook khi bạn bè họ cũng cảm thấy chán nản với mạng xã hội “nóng” hàng đầu này - nếu mô hình trên là chính xác.

Đã hết độ tuổi

Giới trẻ đang dần xa rời Facebook, trong khi đó lại có xu hướng gắn bó với Instagram. Điều này phản ánh xu thế theo hướng di động hóa hiện nay. Khi Facebook đang được thế hệ 1946-1964 ưa chuộng thì thế hệ “Thiên niên kỷ” (sinh các năm 1980-1999) sẽ dành rất ít thời gian cho Facebook, thay vào đó những người thuộc thế hệ này sẽ chọn dùng Pinterest, Twitter, Instagram hay Tumblr và họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho dịch vụ tin nhắn ngắn SMS với loại hình truyền thông thực tế hơn. Ngoài ra năm 2015-2020, các nền tảng truyền thông xã hội mới đại diện cho tương lai sẽ xuất hiện và thay thế Facebook. Facebook nay đã 11 tuổi và trong “độ tuổi của truyền thông xã hội” thì như thế đã đủ.

Hai nhà nghiên cứu John Cannarella và Joshua Spechler thuộc khoa Công trình cơ khí và không gian thuộc ĐH Princeton đưa ra dự báo của họ dựa trên số lần mà Facebook gõ thành từ khóa tìm kiếm trên Google. Biểu đồ của họ đưa ra cho thấy những tìm kiếm liên quan tới Facebook đạt đỉnh vào tháng 12-2012 và bắt đầu giảm từ đó tới nay. Facebook đã có thời điểm là điểm sáng của truyền thông xã hội. Nhưng đã đến lúc có những sự thay đổi, nhiều loại hình khác đã nổi lên, thiết thực hơn, ít xâm lấn đời tư và lành mạnh hơn cho tâm lý người dùng. Vào năm 2013 đã có một bài báo khẳng định Facebook cơ bản “đã chết và bị chôn vùi” nhưng còn được giữ lại như một công cụ để liên lạc với các thành viên khác trong gia đình. Facebook không hẳn là đang trụ vững. Cái Facebook còn nắm trong tay là sự phổ biến và khả năng lan tỏa chứ không còn là một công cụ hữu ích, một giao diện mang tính đột phá hay có giá trị thực chất nào.
***

Những kẻ kế thừa ngôi vương

Nhà “tương lai học” Michael Spencer viết trên tài khoản LinkedIn của ông rằng ngày càng có nhiều giới trẻ đang hướng đến các trang mạng xã hội như Pinterest và Tumblr như những vùng đất hứa - nơi mà phụ huynh của họ vẫn chưa thể động đến.

Còn theo tạp chí Forbes, các giao diện mạng xã hội nhỏ như Instagram và LinkedIn đang dần bước vào thời kỳ vàng son của mình với tỉ lệ người dùng thường xuyên tăng lần lượt là 47% và 38%. Ứng dụng trò chuyện Snapchat cũng đang gây “sóng gió” trong cộng đồng giới trẻ phương Tây. Giờ đây Snapchat là ứng dụng được 1/3 thanh thiếu niên 16-19 tuổi tại Anh, Mỹ, Ireland và Thụy Điển sử dụng.