LĐO - Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có nhưng không thấy về.
Hãy tắt điện đi các bạn, bởi câu chuyện của tôi về Hoàng Sa, về Lý Sơn hôm nay không có những “sói biển” Mai Phụng Lưu với sự ngạo nghễ hiên ngang của anh khi đối diện với tàu Trung Quốc (giờ anh đã lưu lạc phương nào?!). Không có lão ngư Nguyễn Đảng - hồn vía ông giờ đã yên vị trong một ngôi mộ chiêu hồn!
Cũng không có Bùi Thượng, lão ngư can trường từng trả lời André Menras đầy hình ảnh trong bộ phim phóng sự nổi tiếng “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” rằng, cái nguy hiểm nhất nghề lặn là khi gặp con cá mập lớn, đừng vội bỏ chạy. Hãy nhìn trừng vào mặt nó!
Hãy tắt điện đi! Vì câu chuyện hôm nay là về những người phụ nữ chưa bao giờ được phép bước chân xuống thuyền!
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có nhưng không thấy về
Giữa cái thanh vắng trên núi Thới Lới trong một buổi chiều muộn, như một dòng điện chạy dọc sống lưng nếu bạn bắt gặp lời ca ai oán cất lên giữa ràn rạt gió và vị mặn mòi của biển.
Lời ca ai oán, có lẽ là định mệnh trăm năm với tiếng ốc u nổi lên và những người lính thú Hải đội Hoàng Sa chia lìa vợ con với sợi dây, manh chiếu xuống thuyền đi về phía Bãi Cát Vàng! Dẫu là để theo lệnh vua ban. Dẫu là tuần thú vì “ hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”!
“Ầu ơ ờ ơ ơ…! Đến mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ…! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về. Ầu ơ…!
Hoàng Sa đi có về không, chứ lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi...”
4 năm trước, khi lần đầu đến Lý Sơn, điều mà tôi không thể quên chính là cái dáng ngồi bó gối mắt mãi dõi xa xăm của những người phụ nữ chờ chồng!
Dường như cái cách mà họ ngồi chờ chồng, và chung thuỷ, sự can đảm và cái tâm thế chấp nhận những người đàn ông có thể một ngày không trở về có lẽ cũng là một thứ truyền thống ngàn năm sinh ra từ sự nghiệt ngã và nham hiểm của biển cả. Đàn ông Lý Sơn nói biển là biển bạc. Biển bạc hôm nay cho họ cá tôm, ngày mai sẵn sàng đòi của họ thứ quý giá nhất là mạng sống. Đàn bà Lý Sơn nói biển là biển giả. Biển cho họ miếng ăn nhưng biển một ngày nào đó cướp đi của họ tất cả.
4 năm trở lại Lý Sơn. Lại vẫn là những bàn thờ ông thiên ngoài sân. Những thân dâu mồ côi giữa bờ dậu. Lại vẫn bạt ngàn những ngôi mộ gió! Và vẫn muôn đời là cách dáng ngồi bó gối của những người phụ nữ khi hoàng hôn xuống và khói bếp lên!
Lý Sơn trời trong vắt. Lý Sơn nước xanh thăm thẳm! Và Lý Sơn vẫn luôn lành lạnh nỗi muộn phiền của những người phụ nữ!
Hồn Hoàng Sa, có lẽ ở sâu thẳm nhất trong những lời hát ru, trong cái dáng tựa cửa chờ chồng ấy.
Và nếu có một tượng đài được dựng lên trên khu tưởng niệm thiêng liêng những vị quốc anh hùng đã ngã xuống vì Hoàng Sa, tôi nghĩ nó trước hết hãy là hình ảnh của những người phụ nữ! Những bà mẹ! Những người vợ đã không vì tình riêng.
Hãy tắt điện đi! Để nghe rằng:
Ơ ơ ơ! Con ơi con ngủ cho mau! Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng.
Ơ ờ ơ! Ốc u đã thổi lên rồi/ để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa.
Ơ ớ ơ (chớ) Hoàng Sa là của nước ta. Để người ngoại quốc xâm vào chẳng an
Bạn có đồng ý không! Những ngư dân can trường nhìn trừng vào mặt những cá mập lớn. Và cả những lời ru khắc khoải của người phụ nữ miệt biển. Đó mới đủ đầy là hồn Hoàng Sa. Đó mới chính là sự bất tử của Hoàng Sa!?
Sáng 17.1, viên đá đầu tiên của Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ được đặt trên đỉnh núi Thới Lới với tượng đài một người mẹ, một người phụ nữ với cây đèn biển hướng về phía Hoàng Sa. Hãy soạn tin HS gửi tới 1407, đó là bạn đã góp một viên đá vào khu tượng niệm những anh hùng đã ngã xuống vì Hoàng Sa, vì những người phụ nữ từ hàng trăm năm nay đã không vị chút tình riêng! Và vì cả sự bất tử của một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.