Người Đô Thị - Sự tôn vinh quá mức hình ảnh truyền thống của người phụ nữ, vốn dĩ có dụng ý tốt, nay lại trở nên thật “đáng sợ” trong mắt nhiều phụ nữ hiện đại, chẳng khác nào một chiếc vòng kim cô lấp lánh!
Phụ nữ trưởng thành sợ nhất điều gì?
Không cần suy nghĩ, nhiều người hẳn đã có ngay câu trả lời: thời gian. Còn xếp hàng ngay sau đó? Dù ý thức được sâu sắc hay không, nhiều người ở độ tuổi 24 đến ngoài 30 đều có chung một nỗi sợ vô hình: định kiến giới.
Sống ở Việt Nam, cô gái nào, dù ít dù nhiều, cũng phải học cách đối diện với áp lực của định kiến giới. Là phụ nữ, có nghĩa là từ nhỏ đã là đối tượng được ngắm nhìn, đồng thời cũng không ngừng bị soi xét. Nếu đó chỉ là sự soi xét về mặt ngoại hình thì cuộc sống còn “dễ thở”, nhưng sự soi xét của xã hội không bao giờ dừng ở đó. Một cô gái đã ra trường đi làm sẽ sớm bị hỏi “bao giờ thì lấy chồng.” Nếu may mắn cô ấy kiếm được chồng thì sẽ tiếp tục nghe hỏi “bao giờ thì có con.” Nếu cô ấy có con, người ta sẽ hỏi tiếp “liệu bao giờ thì có con thứ hai.” Nếu cô ấy không có con, thiên hạ sẽ cho rằng có lẽ cô ấy, hoặc cuộc hôn nhân của cô ấy, có vấn đề. Một cô gái ly dị chồng, thì cầm chắc sẽ trở thành một đề tài khiến nhiều người tò mò, đàm tiếu.
Tôi may mắn có những cô bạn gái đặc biệt. Những cô gái ấy đều rất đẹp, đẹp từ trong ra ngoài, vì họ luôn tự tin, tràn đầy năng lượng sống, đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và có vô vàn dự định tuyệt vời cho tương lai. Họ là những công dân ưu tú của xã hội, nhưng đều chia sẻ cùng một nỗi sợ hãi: bị phán xét.
Một bạn là cô gái đồng tính luôn luôn xinh đẹp ngay cả khi cô mặc những món đồ “bụi phủi” nhất. Vẻ ngoài gai góc, sắc lạnh của cô bạn khiến nhiều người không ngừng đặt câu hỏi về đời tư của cô ấy. Sự thật là bạn tôi không có cảm xúc với người khác giới, nhưng cô ấy lại không đủ can đảm nói ra sự thật và công khai người yêu đồng giới của mình.
Một người là phụ nữ ngoài ba mươi, vẫn đang tìm kiếm nửa kia của cuộc đời, nhưng chị lại không muốn có con. Chị rất thích trẻ con, nhưng luôn cảm thấy thế giới quá bấp bênh, rối ren và chật chội để cho ra đời một sinh linh mới. Ý nghĩ ấy, chị giấu cho riêng mình vì biết sẽ vấp phải sự phán xét của xã hội. Chị chỉ tâm sự với một người bạn là tôi.
Một người bạn khác của tôi thì không muốn kết hôn. Bạn không tin vào tình yêu vĩnh cửu nên chỉ muốn hẹn hò với đàn ông, không ràng buộc, không con cái, “để nếu phải chia ly mọi thứ đều nhẹ nhàng.”
Tất cả những phụ nữ ấy đều cẩn thận giấu mình trong vỏ bọc của họ, không dám thể hiện niềm riêng, vì họ biết sẽ chỉ nhận được những cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí kỳ thị từ người xung quanh. Dù biết để sống cho chính mình thì phải phớt lờ dư luận, nhưng các cô gái ấy vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi hình mẫu hoàn hảo mà xã hội đã xây dựng và mặc định về phụ nữ xưa nay.
Hình mẫu người phụ nữ “công dung ngôn hạnh”, “ba đảm đang”, gắn liền với “thiên chức làm vợ, làm mẹ” đã ăn sâu vào tiềm thức của phần đông mọi người. Tất cả những cô gái đi ngược lại truyền thống ấy sẽ dễ dàng vấp phải sự soi xét của dư luận, dù họ có là những cô gái tốt đẹp và sống có ích cho xã hội thế nào đi nữa.
Hoa hậu Kỳ Duyên, dù là một đại diện của thế hệ mới, vẫn không thoát khỏi lối suy nghĩ khuôn sáo khi trả lời rằng đức tính làm nên sự khác biệt của phụ nữ Việt Nam là sự hy sinh. Cũng khó trách được Kỳ Duyên vì bản thân câu hỏi dành cho cô đã mang tính chất “gợi ý sát sườn”, như thể muốn ám chỉ người phụ nữ Việt Nam là tốt đẹp và đáng tôn vinh hơn phụ nữ đến từ những quốc gia khác.
Sự tôn vinh quá mức hình ảnh truyền thống của người phụ nữ, vốn dĩ có dụng ý tốt, nay lại trở nên thật “đáng sợ” trong mắt nhiều phụ nữ hiện đại, chẳng khác nào một chiếc vòng kim cô lấp lánh! Thời thế đã thay đổi, và phụ nữ ngày nay đã có nhiều lựa chọn hơn. Suy nghĩ của nhiều phụ nữ hiện đại không còn bị đóng khung trong những khuôn mẫu mà trở nên cởi mở, phóng khoáng hơn. Thế không có nghĩa là họ cố tình chống lại những giá trị truyền thống, mà chỉ là họ muốn sống thật với bản thân mình. Truyền thống có thể là tốt, nhưng như thế không có nghĩa hiện đại là xấu.
Tôi tin rằng, đã đến lúc xã hội cần có sự thay đổi. Phụ nữ ngày nay không cần được tôn vinh quá mức như xưa nữa, mà điều họ cần hơn bao giờ hết chính là sự tôn trọng. Ai cũng xứng đáng được tôn trọng, cho dù quan điểm và cách sống của họ khác biệt với số đông.
Đây không chỉ là một vấn đề của Việt Nam nói riêng, mà còn là một vấn đề toàn cầu. Sự thay đổi về nhận thức và hành động của mỗi một con người đều góp phần vào sự thay đổi cần thiết cho thế giới. Như diễn viên Emma Watson, đại sứ của cuộc vận động “He for She” do UN Women khởi xướng từng đặt câu hỏi: “Nếu không phải là tôi, thì sẽ là ai? Nếu không phải là ngay bây giờ, thì là đến khi nào?”