(Dân trí) - Với cung cách quản lý, giám sát và kỉ luật sai phạm “con voi”, kỉ luật “con kiến” như thế này thì sợi dây kinh nghiệm sẽ còn dài vô tận, “rút hoài không hết” như lời của Cố Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh, phải không các bạn?
Ngay tại thời điểm này, một số công trình khủng đang bị tháo dỡ theo qui định của pháp luật nổi bật là khu biệt thự vàng ở Đà Nẵng. Tất nhiên, việc xử lý là đương nhiên và hoàn toàn đúng vì không thể sai phạm rồi “hiến” cho nhà nước, mà như lời của Bí thư Phạm Quang Nghị ở một vụ tháo dỡ tại Hà Nội: “Thế nói Nhà nước đi sử dụng sản phẩm trái phép à, Nhà nước, Thành phố sử dụng nói hơi nặng lời tí là “của gian” à?”.
Song, không khỏi có chút băn khoăn, xa xót. Đó là nhiều và rất nhiều tỉ đồng đã tan thành đất đá. Để xây dựng nên các công trình này đã là một khoản tiền khủng thì việc tháo dỡ còn tốn kém hơn rất nhiều.
Đành rằng làm sai thì chịu, nhưng vẫn tiếc hùi hụi bởi tiền, dù tiền nhà nước hay tiền của dân đều là tiền cả. Dân giàu thì nước mới mạnh. Trong khi đất nước còn nghèo, hàng nhiều tỉ đồng bỗng dưng thành phế liệu thì hỏi sao không khỏi xót xa!?
Việc này, tất nhiên lỗi đầu tiên và lỗi lớn thuộc về những đơn vị xây dựng trái phép. Thế nhưng, không thể không có trách nhiệm của các nhà quản lý. Neus như họ làm đúng chức phận của mình…
Ở đây có thể có 3 khả năng.
Khả năng thứ nhất, việc xây dựng không được phát hiện. Đây là điều khó xảy ra vì người dân chỉ đổ xe cát đã thấy một lực lượng hùng hậu đến nhìn ngó, rồi biên bản, rồi hoạnh họe…
Nhưng cứ cho là nó vẫn có thể xảy ra thì đó cũng là tội quan liêu của nhà quản lý. Một “quả núi” bỗng lù lù mọc lên thì không chỉ quan liêu mà đại quan liêu.
Thứ hai, có thể biết nhưng họ làm lơ, giả vờ như không biết. Mà cái sự biết mà không biết này, khó có thể “bịt mắt, bịt mồm” nhau… suông được.
Thứ ba, không loại trừ “cùng nắm tay nhau” bàn bạc để “lôi con voi” chui qua “lỗ kim khâu”. Và tất nhiên, nếu có bàn bạc thì không thể không có chuyện… “bổng lộc”, vẫn như lời của Bí thư Phạm Quang Nghị: “"Tôi cũng đoán rằng trong việc này, không biết chừng đã có ai đó làm ngơ, nhận quà biếu hoặc phong bao rồi để cho người ta làm sai"”.
Nếu như thế thì cực kỳ đau xót vì khi xây, “khổ chủ” đã phải phong bao, phong bì, giờ dỡ có khi cũng lại phong bì, phong bao mà bao nhiêu tội nợ mình họ chịu cả.
Nghĩ lại, cũng thương thương bởi những gia đình vi phạm tốn tiền tốn của, tốn công tốn sức xây lên để phá. Giá như các cán bộ quản lý kiên quyết thì giờ đây, họ đã không tốn biết bao tiền của.
Thế nhưng còn đau xót hơn, khuyết điểm thì như “con voi” mà hình thức kỉ luật đối với khâu quản lý lại như… con kiến.
Quận Liên Chiểu chỉ nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm trước UBND TP. Các cơ quan liên quan gồm Phòng TNMT, Phòng Kinh tế, Đội Quy tắc đô thị, Văn phòng quận Liên Chiểu, UBND phường Hòa Hiệp Bắc cũng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Tương tự, Chi cục Kiểm lâm cũng chỉ kiểm điểm ông Phan Thế Dũng - nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đương chức trong thời gian biệt thự xây dựng trái phép và một Phó Hạt trưởng phụ trách Trạm kiểm lâm Suối Lương.
Gần đây, có thêm 2 cán bộ là các ông Nguyễn Xuân Hoài - Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu và ông Trần Phước Huấn - nguyên Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc bị xử lý kỷ luật ở mức “khủng” hơn: Khiển trách!
Lại thương thương mấy bác bị “kiểm điểm” với “khiển trách” vì biết đâu phận “con sâu, cái kiến” nên đành… chịu trận?!
Và với cung cách quản lý, giám sát và kỉ luật sai phạm “con voi”, kỉ luật “con kiến” như thế này thì sợi dây kinh nghiệm sẽ còn dài vô tận, “rút hoài không hết” như lời của Cố Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh, phải không các bạn?