(PL)- Hôm qua (17-12), 12 người dân chặn quốc lộ 1 để phản đối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II ở xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) gây ô nhiễm môi trường đã trở thành những bị cáo ra tòa về hai tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.
Tất cả đều đến tòa bằng dép lê, đều mặc quần áo lao động và hầu hết còn khá trẻ.
Nhìn lý lịch các bị cáo thấy thương lắm, toàn là dân làm mướn nghề biển, nuôi tôm thuê, phụ hồ… Suốt ngày họ chỉ biết cắm mặt làm lụng mưu sinh nhưng khi về đến nhà họ lại phải đối mặt với khói bụi, xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II. Mâm cơm vừa dọn ra chưa kịp ăn, chỉ cần một cơn gió thoảng qua - mà gió ở Tuy Phong thì nhiều vô kể - là bụi xỉ bám xám xịt. Nền nhà mới lau sạch vừa vắt giẻ lau chưa kịp ráo nước, bụi đã bám đầy. Trẻ con suốt ngày ho sù sụ.
Chính quyền tỉnh Bình Thuận liên tục kiểm tra, liên tục xử phạt hành vi gây ô nhiễm của nhà máy; người dân làm đơn gửi đủ chỗ kêu cứu. Nhà máy cũng tìm cách khắc phục nhưng được vài ba bữa đâu lại vào đấy.
Sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi ngày 14-4-2015 tại Vĩnh Tân xuất hiện nhiều đợt gió lớn kinh khủng. Bụi khói, xỉ than bay mù trời, xộc thẳng vào từng phòng ngủ, từng mâm cơm của các cư dân ở đây. Bức xúc, họ kéo nhau ra chặn quốc lộ 1 gây kẹt xe nghiêm trọng với ý định “làm reo” để được chính quyền xử lý thẳng tay và kiên quyết với nạn ô nhiễm mà họ và gia đình đã chịu đựng từ lâu lắm rồi.
Chính quyền vận động người dân “trả lại” quốc lộ 1 cho xe cộ lưu thông nhưng bất thành. Hai ngày trời, từ 14 đến 16-4, dòng xe cộ bị kẹt rồng rắn cắn đuôi nhau kéo dài tới mấy chục cây số. Lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Bình Thuận được tăng cường đến hiện trường để vãn hồi trật tự.
Tiếc thay, vì một chút nóng giận không kiềm chế, vì tâm lý đám đông không thể kiểm soát, những người dân này lại quên mất mục đích của họ là phản đối nhà máy mà quay sang xung đột. Họ đã dùng gậy gộc, gạch đá, bom xăng, túi formol ném vào lực lượng thực thi công vụ. 18 chiến sĩ CSCĐ bị thương, 12 lá chắn bị vỡ toang hoác.
Khi lực lượng CSCĐ rút vào khách sạn Vĩnh Hảo gần đó, họ vẫn không dừng lại mà càng tấn công mạnh hơn. Hậu quả là ba chiếc xe hơi đắt tiền đậu trong sân khách sạn bị ném hư hỏng, mặt tiền khách sạn bị vỡ nát… Thậm chí xe cứu thương đưa các CSCĐ đi cấp cứu cũng bị ném vỡ kính. Trên sàn nhà ba căn phòng phía sau của khách sạn Vĩnh Hảo đến hôm sau vẫn còn loang lổ dấu máu của CSCĐ bị thương. Một người dân địa phương đã chép miệng: “Thấy thương anh em CSCĐ quá! Họ cũng như con, như cháu mình…”.
18 anh em CSCĐ bị ném đá vỡ đầu, vỡ mặt, trong đó có người mang sẹo suốt đời nhưng có đến 16 người từ chối giám định pháp y. Và tất cả 18 người này đều không yêu cầu khởi tố tội cố ý gây thương tích, từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chắc họ biết người dân - trong đó có thể có người thân của họ - chỉ bức xúc vì vấn nạn ô nhiễm môi trường, việc tấn công họ chỉ là do bột phát.
Chiều 17-12, TAND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã tuyên án. Trong số 12 bị cáo có ba người được tuyên án sáu tháng chín ngày tù, bằng thời gian họ bị tạm giam. Họ được trả tự do ngay tại tòa. Năm người được tòa cho hưởng án treo và bốn người bị mức án cao nhất chín tháng tù.
Rất nhiều người dự khán đã nói lời cám ơn các cơ quan tố tụng vì đã thấu hiểu tình cảnh của các bị cáo.
Vụ án đã khép lại nhưng nguyên nhân chính dẫn đến vụ gây rối thì vẫn còn đó. Nó vẫn còn là món nợ đối với dân. Cáo trạng của VKSND huyện Tuy Phong cũng đã nhấn mạnh: “Các bị can phạm tội cũng do ô nhiễm môi trường từ tro bụi, xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II gây ra. Nó làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của gia đình và bản thân các bị can. Sự ô nhiễm môi trường này đã kéo dài, vi phạm pháp luật nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm”.
Sẽ là sòng phẳng hơn nếu hành vi gây ô nhiễm môi trường được xử lý nghiêm khắc!