(TBKTSG) - Hay tin tôi dọn về quận Tư sống, mấy người bạn dân Sài Gòn dặn dò: Sao mày liều thế? Dân quận Tư dữ dằn lắm đó. Dữ thế nào? Thì hồi xưa đâu ai dám đi qua quận Tư, kiểu gì cũng bị giật đồ, thủng lốp xe, đi về ban đêm dễ bị xin đểu, mua bán thì hay bị chặt chém, đe dọa, chửi thề… toàn đàn em Năm Cam không hà. Thế sao chủ bán nhà cho tao bảo giờ hết rồi, bắt Năm Cam rồi? Thì mày cứ thử đi rồi sẽ biết.
Mấy ngày đầu tôi “mon men” ra chợ Xóm Chiếu. Các bà các mẹ các anh chào hàng nhiệt tình tươi tỉnh: Thanh long bao ngọt đó em, sầu riêng bao ngon, không ngon không lấy tiền. Cóc chín à? Đây, em vô trong kia lựa thoái mái đi để chị ra xử lý mấy thằng này.
“Mấy thằng này” tức là ba anh dân phòng đang ngồi trên thùng sau chiếc xe bán tải trờ tới dãy hàng trái cây bày biện lấn chiếm ra gần tới giữa đường đi. Trên xe ba cậu dân phòng mặt còn trẻ lắm, cỡ 20 tuổi, mặc đồng phục màu xanh sẫm có băng đỏ trên cánh tay. Một cậu nhảy xuống khua khua cây gậy: Dẹp vô các bà ơi, dẹp vô dẹp vô. Không thấy ai dáo dác bê thúng bê bàn chạy dạt đi như chỗ khác. “Dẹp vô đi bà”, cậu dân phòng đập đập cây gậy vào giỏ sầu riêng. Hai cậu kia mỗi người một tay xách tai giỏ chuyển vào trong lề đường. Lập tức ba người phụ nữ xông ra, một tay chống nạnh, tay kia đồng loạt chỉ vào mặt các cậu: Mày dám dẹp đồ của tao là mày dám dẹp đồ của má mày ở nhà. Mày muốn gì tao cũng chiều, bla bla… Ba cậu dân phòng đối đáp lại một câu các bà chửi cả tràng dài. Mọi người lén lút nhìn vội rồi rảo chân qua cho mau. Thấy tôi đứng im re, tay vẫn cầm mấy trái cóc. Bà bán dưa cà muối sát bên nhắc: Cứ lựa đi em, không sao đâu, ngày nào chẳng như vầy. Dạ, thôi chị tính tiền giùm em, 17.000 đồng/ký. Tôi trả tiền, đi lẹ ra đến cổng chợ, thấy tấm biển ghi: Cóc chín 10.000 đồng/ký.
Lần khác tôi đi chợ gần nhà, tính mua chôm chôm ủng hộ nông dân vì nghe báo nói chôm chôm rớt giá bà con nông dân bán ở vườn có 2.000 đồng/ký. Cô bán hàng đặt vội ly cà phê đá xuống: loại ngon nhất 25.000 đồng đây chị, mình ăn làm phước ủng hộ nông dân. Dạ cho em 2 ký. Hôm sau tới cơ quan, cô đồng nghiệp quê Đồng Nai nói chắc nịch rằng chôm chôm chỉ có 7.000-10.000 một ký thôi, bán đầy đường kìa. Gặp lại cô bán trái cây tôi hỏi: Sao chị bán mắc cho em vậy, đồng nghiệp em mua rẻ lắm. Dạ, tại chị người Bắc. Trời đất ơi.
Giờ tôi mới biết giọng miền Nam mới lợi hại làm sao. Nhà em gần đây, chị bán vậy làm em sợ người quận Tư quá, không dám ra đây nữa. Dạ thôi biết chị ở đây rồi, lần này em đền cho chị làm quen. Nhìn thấy gần đó có đám đông ăn uống, hát hò chói tai, tôi hỏi: Nhà kia làm gì mà ồn ào vậy? Dạ nhà đó hôm nay có giỗ. Giỗ mà hoành tráng vậy hả? Tại nguyên băng đó chị. Băng gì? Dạ băng giật đồ. Trời đất ơi, móc móc ví ra giữa chợ thế này có sao không? Không lo đâu chị. Họ giật đồ bên quận 8. Sao bữa trước mấy người khu nhà chị bị giật đồ? Dạ vì người ở quận khác sang đó chị. Có phân chia địa bàn hết rồi chị.
Họp tổ dân phố với tôi là dịp thú vị hiếm có. Cuộc họp bắt đầu từ 7 giờ tối nhưng tới hơn 10 giờ đêm vẫn sôi nổi náo nhiệt. Một bà ăn mặc rất nhiều màu sắc vừa bước vào đã ra giọng đanh thép: Tại sao năm ngoái đã ra nghị quyết không nuôi chó mà nhiều hộ vẫn còn chó, đã vậy còn không đeo rọ mõm? Tôi đề nghị không cho chó đi thang máy. Anh tổ trưởng phân trần: Cô thông cảm, cấm là cấm chó 20-30 ký chứ chó bây giờ chỉ 2-5 ký không cấm nổi. À, thế còn mấy đám hát hò thâu đêm suốt sáng, các anh có nghe thấy không? Đại diện công an phường luống cuống đứng dậy: Dạ chúng tôi có biết và cảnh cáo nhưng phường đi khỏi họ lại hát tiếp nên bó tay bác ơi!
Phần tổng kết công tác an ninh trên địa bàn cuối năm. Bác tổ trưởng hãnh diện, khoe trên địa bàn ta mới có thành tích lớn. Năm nay công an phường đã bắt gọn một nhóm buôn ma túy và phân phối trong hẻm, vụ này lớn chỉ sau vụ Năm Cam. Đề nghị bà con hoan nghênh. Bà con xôn xao một hồi rồi cũng hoan hô khí thế.
“Nhưng gần đây các đối tượng được ân xá mới về lại quậy thì tính sao? Ờ thì đang theo dõi... Tuy nhiên, gần Tết các đối tượng sẽ tăng cường cướp giật để kiếm tiền ăn Tết, nhiều thủ đoạn tinh vi như giả bộ va quẹt xe rồi giật giỏ, mang kìm cắt dây đeo túi xách, chúng tôi mới bắt mấy đối tượng tụ tập ban đêm đầu hẻm về phường. Tuần qua một hộ mới bị vụ trộm lớn do thuê người giúp việc mà không tìm hiểu kỹ, đề nghị các gia đình phải đăng ký tạm trú cho người giúp việc, đi ra đường phải bỏ giỏ xách vô cốp xe…
Khi tôi đến trụ sở công an phường đăng ký tạm trú, anh cán bộ trẻ hồ hởi lắm: Quận Tư giờ sắp hết giang hồ rồi chị, giờ có nhiều người nổi tiếng lắm chị, ca sĩ T, người mẫu C, vợ của diễn viên N, bạn trai của nam ca sĩ L, phó giám đốc ngân hàng T… Vậy khu đó có người thường không em? Có chứ chị. Vậy may quá, em cho chị làm người thường nhé. Dạ chị!
Vậy là tôi đã trở thành người thường ở quận Tư như thế đó.