TTO - Sáng 3-12, Ban chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” họp tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Theo số liệu tại cuộc họp, đến nay cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng số liệu nêu trên còn hình thức, mặc dù tỉ lệ cao và năm sau tăng hơn năm trước nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề về văn hóa khiến cả xã hội trăn trở.
Tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội và các giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một…
Phát biểu tại đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu vấn đề sự xuống cấp về đạo đức đang biểu hiện ở nhiều nơi, cho dù các cấp, các ngành có đầy đủ các chiến lược, đề án, các ban chỉ đạo để xây dựng đời sống văn hóa.
Chẳng hạn như gần đây, có người thống kê được hơn 10 loại hình ảnh nữ sinh đánh nhau. Theo Phó thủ tướng, “nói là toàn dân đoàn kết thì đúng rồi”, nhưng tại sao văn hóa xã hội lại rất có vấn đề như vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm là một ví dụ, sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe đồng loại đến mức bất chấp đạo lý.
Chính vì vậy, để xây dựng đời sống văn hóa thì ở đây chưa nên bàn những chuyện cao siêu, từng thành viên trong Ban chỉ đạo trước hết phải xác định những việc cụ thể để triển khai, tạo ra sự chuyển động thực sự trong đời sống xã hội.
Ví dụ năm nay quyết tâm làm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được không? Ở nông thôn ai trồng rau sạch, rau bẩn thì chẳng lẽ các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, chính quyền, bí thư xã không biết? Đã đến lúc nên tìm ra vài việc cụ thể và làm đến nơi đến chốn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng những tiêu chí dễ hiểu, sao cho khắc phục được bệnh không thực chất.
Chẳng hạn tiêu chí gia đình văn hóa là chấp hành quy định pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, vẫn còn chung quá, nên cụ thể hơn như gia đình văn hóa thì phải không có bạo lực, cờ bạc, đề đóm, ở nông thôn thì gia đình văn hóa là gia đình sản xuất, nuôi trồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… “Phải có tiêu chí cụ thể thì đánh giá mới đúng” - Phó thủ tướng nói.