(TBKTSG) - Đến năm 2018, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ dựa trên tổng thu nhập của người lao động thay vì lương cơ bản như hiện nay. Theo nhiều doanh nghiệp, như vậy là BHXH đang tận thu của cả doanh nghiệp và người lao động.
Hai năm tăng một lần
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho biết hiện nay tỷ lệ BHXH mà các doanh nghiệp phải đóng là 22% mức thu nhập người lao động (trong đó BHXH là 18%, bảo hiểm y tế (BHYT) 3% và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 1%) và người lao động phải đóng 10,5%. Như vậy, cả người lao động và doanh nghiệp phải đóng cho quỹ BHXH tổng cộng 32,5%, nếu tính cả kinh phí công đoàn thì con số lên 34,5%.
Chiếu theo thang bảng lương mà công ty ông Dương đóng cho người lao động, mỗi tháng số tiền đóng BHXH cho mỗi lao động là 1,25 triệu đồng, tương đương một phần ba lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay. Như vậy, với quy mô 2.000 lao động, mỗi tháng công ty này phải trả khoảng 2,5 tỉ đồng cho khoản này, tương đương 30 tỉ đồng mỗi năm.
“Con số này là quá lớn”, ông Dương nói và cho hay, số tiền này không chỉ tạo gánh nặng lên cả người lao động và người sử dụng lao động mà còn triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập khi các nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn nhiều.
Hơn nữa, theo điều 89, Luật BHXH 2014 quy định, từ ngày 1-1-2016 đến ngày 1-1-2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương và phụ cấp lương; từ ngày 1-1-2018 trở đi: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo tính toán của ông Dương, đến năm 2016 số tiền đóng BHXH cho mỗi lao động sẽ tăng thêm 400.000 đồng và tính đến năm 2018 sẽ tăng 400.000 đồng nữa. Như vậy, tổng số tiền đóng BHXH cho mỗi lao động là hơn 2 triệu đồng, trong đó, doanh nghiệp sẽ đóng khoảng 1,3 triệu đồng và người lao động đóng 700.000 đồng. Với mức tăng như vậy thì số tiền bỏ ra để đóng quỹ BHXH cho toàn bộ 2.000 lao động của công ty sẽ lên tới hơn 40 tỉ đồng.
“Dường như quỹ BHXH đang tận thu của doanh nghiệp và người lao động”, tỷ lệ đóng và mức đóng cao như vậy sẽ dẫn tới tình trạng lao động sẽ chuyển sang các công ty trốn đóng BHXH để được hưởng mức lương cao hơn, ông Dương nói.
Tại một hội thảo gần đây về tiền lương, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay từ năm 2010, cứ hai năm Việt Nam lại tăng tỷ lệ đóng các loại phí liên quan tới lao động một lần. Tính tới nay, nếu tính tất cả các khoản đóng của doanh nghiệp và người lao động cho BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn thì doanh nghiệp phải đóng tới 34,5%, chưa kể 1% kinh phí công đoàn ở những nơi có công đoàn cơ sở. “Đồng hành” với mức tăng tỷ lệ đóng là mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm. Điều này là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với một số nước trong khu vực thì Việt Nam là nước có mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, công đoàn phí do chủ sử dụng lao động đóng cao nhất so với các nước trong khu vực (cao hơn Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myamar, Lào). Ví dụ, hiện Malaysia chỉ đóng 13%, Philippines 10%, Thái Lan 8%, các nước khác còn thấp hơn.
Liệu có khả năng giảm tỷ lệ đóng và kéo dài thời gian đóng?
Theo một chuyên gia về BHXH (đề nghị giấu tên), theo Luật BHXH năm 2006 số tiền làm cơ sở đóng BHXH là lương cơ bản. Nhưng luật BHXH sửa đổi 2014 quy định đến năm 2016 sẽ đóng trên các khoản phụ cấp có tính chất lương và đến năm 2018 là các chi phí bổ sung khác.
Vị chuyên gia này thừa nhận tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, song hiện nay vẫn đóng trên nền là tiền lương cơ bản nên về giá trị tuyệt đối thấp hơn các nước. Đến năm 2018, nền đóng sẽ tăng lên nhưng vẫn chưa tăng đến mức tổng thu nhập mà chỉ tính trên các khoản bổ sung khác, không bao gồm ăn giữa ca, đi lại, phụ cấp chăm con...
“Vấn đề hiện nay là cơ quan chính sách phải đưa ra khái niệm thế nào là phụ cấp có tính chất lương, và áp dụng trên cả nước chứ không thể doanh nghiệp này coi khoản này là phụ cấp lương còn ở doanh nghiệp khác lại không thì không được”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Nói về việc liệu có thể thay đổi tỷ lệ đóng và kéo dài thời gian đóng như đề nghị của các doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho hay, khó có khả năng có thể thay đổi xét trên khía cạnh cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Thực tế, quỹ BHXH cân đối tại thời điểm này nhưng sẽ mất cân đối tại thời điểm khác do số người hưởng BHXH luôn lớn hơn số người mới tham gia. Muốn cân đối quỹ BHXH trong dài hạn thì có những phương pháp như tăng mức đóng, giảm mức hưởng; nâng thực đóng của doanh nghiệp; tăng tuổi nghỉ hưu; tăng đầu tư sinh lời của quỹ và tăng độ bao phủ.
Trong từng giai đoạn, nhà làm chính sách sẽ phải lựa chọn giải pháp ưu tiên. Năm 2006, Luật BHXH chọn giải pháp tăng tỷ lệ đóng BHXH. Do đó, Luật BHXH 2014 phải tìm các biện pháp để tăng mức đóng như: nâng tuổi nghỉ hưu, tăng số tiền làm cơ sở đóng BHXH và mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng... Do lộ trình luật đã đưa ra rõ ràng nên khả năng thay đổi sẽ rất khó.