TNO - Trao đổi với Thanh Niên, đại biểu Bùi Đức Thụ (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, lo ngại nếu không tính toán, giám sát kỹ các khoản vay sẽ làm tăng nợ công, dồn hết gánh nặng nợ lên đời con, đời cháu sau này.
Tại kỳ họp này Chính phủ xin Quốc hội phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ, cá nhân ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Mục tiêu của phương án này làm giảm áp lực trả nợ hằng năm đối với ngân sách nhà nước (NSNN). Bởi trong mấy năm gần đây, nợ đến hạn của chúng ta khá lớn nhưng không thanh toán được. NSNN mới đảm bảo đủ để trả nợ gốc và lãi đối với vay ngoài nước, còn vay trong nước chỉ trả được một phần.
Cụ thể, năm 2015 tổng nợ phải trả là 275.000 tỉ đồng, trong cân đối NSNN mới trả được 150.000 tỉ đồng, còn 125.000 tỉ đồng phải đảo nợ. Sang năm 2016 cũng hết sức khó khăn, chúng ta chỉ bố trí trả nợ được 155.000 tỉ đồng và vẫn phải đảo nợ 95.000 tỉ đồng.
Tại sao chúng ta không huy động trong nước từ nguồn vốn của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thưa ông?
Vay trong nước hiện nay rất khó khăn, trong 9 tháng năm 2015 Chính phủ mới phát hành lượng trái phiếu bằng 51% kế hoạch, thậm chí phải nâng lãi suất lên khá cao 6,6%/năm nhưng mới vay được hơn 127.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ đến hạn phải trả rất lớn, bố trí trong cân đối ngân sách thực tiễn vừa qua mới được hơn 60% thì dứt khoát phải tính đến vay ngoài nước.
Mặt khác, vay nước ngoài có nhiều ưu thế hơn trong nước. Vay trong nước với kỳ hạn 5 năm trở lên rất khó vì lãi suất cao, chi phí đắt hơn. Vay nước ngoài thời hạn dài, lãi suất thấp hơn.
Nhưng cũng không ít đại biểu đang lo ngại vay thêm 3 tỉ USD kỳ hạn dài gặp rủi ro nếu tỷ giá biến động và làm tăng áp lực nợ công?
Luật Quản lý nợ công chỉ cho phép Chính phủ huy động vốn nước ngoài nếu chi phí rẻ, lãi suất thấp hơn. Trong thời điểm này nếu điều kiện thuận lợi thì cần phát hành sớm, vì thực tế cũng không còn giải pháp nào khả dĩ hơn. Nếu vay 3 tỉ USD sử dụng bổ sung để đảo nợ cho các khoản vay trước đó có chi phí đắt hơn thì tôi đồng ý. Vì rõ ràng, nợ gốc cũ được thanh toán trong khi lãi vay mới lại thấp hơn thì đất nước có lợi hơn. Nhưng nếu vay về để chi thường xuyên, hoặc dùng cho các mục tiêu khác làm tăng dư nợ công, đẩy nghĩa vụ nợ cho con cháu chúng ta phải trả, tôi không đồng ý.
Băn khoăn của các đại biểu cũng dễ hiểu vì vay nước ngoài rủi ro hơn ở chỗ, các khoản vay có kỳ hạn dài từ 10 đến 30 năm, nếu tỷ giá biến động sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ. Vay nước ngoài không thanh toán được áp lực rất lớn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ của con cháu chúng ta, làm tăng nợ công. Tôi cho rằng vấn đề đại biểu và dư luận nêu cần nghiêm túc xem xét làm rõ.
Dường như chúng ta mới chỉ loay hoay quanh bài toán cấu, véo các nguồn thu để cân đối ngân sách, trong khi phía đầu ra là các khoản chi chưa được tính toán tiết kiệm triệt để, thưa ông?
Luật NSNN hiện hành vừa được QH thông qua quy định, điều hành NSNN phải căn cứ vào số thu để tính số chi, trong trường hợp thu giảm thì phải điều chỉnh chi giảm tương ứng nhằm đảm bảo tính bền vững. So với các năm trước, số thu vẫn tăng, nhưng tính toán tỷ trọng thu thuế từ thuế, phí cũng như tổng thu NSNN so với GDP lại giảm.
Cách đây 5 năm tỷ lệ động viên này bằng 26 - 27% GDP, đến giờ chỉ còn 21% GDP và dự toán 2016 còn thấp hơn. Rõ ràng những áp lực giảm giá dầu từ hơn 100 USD/thùng xuống còn bình quân hơn 50 USD/thùng, thuế nhập khẩu cắt giảm theo cam kết quốc tế... khiến ngân sách giảm khá nhanh và mạnh. Trong khi đó, chi tăng nhiều vì một đất nước đang phát triển không chi cho đầu tư thì không lấy đâu ra tăng trưởng được. Thứ hai, các khoản nợ không thể không trả khi đến hạn.
Vậy còn chi thường xuyên, chi nuôi bộ máy thì sao?
Cơ cấu chi thường xuyên trong năm 2015 chiếm 67,8%, tức hơn 2/3 tổng chi để ăn tiêu và nuôi bộ máy. Số chi này so với thu chiếm tỷ trọng cao hơn nữa, khoảng gần 4/5. Mấy năm qua chúng ta hô hào cắt giảm chi thường xuyên, quan trọng nhất giảm chi đối với bộ máy hành chính nhưng chưa làm được. Người dân bức xúc, đại biểu lên tiếng về tình trạng lãng phí trong chi tiêu thường xuyên như mua sắm xe công, lễ hội, khánh tiết... là rất đúng. Chúng ta làm không được vì kỷ luật không nghiêm, muốn làm được thì phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn, định mức mới được.
Đã 4 năm rồi, gần như cán bộ công chức, viên chức không được tăng lương. Chúng tôi cũng rất buồn vì điều đó. Nhưng rõ ràng với một bộ máy cồng kềnh như hiện nay, tăng 100.000 đồng thôi cũng đã mất hàng chục nghìn tỉ đồng rồi. Bởi vậy, muốn cắt giảm chi thường xuyên, muốn ngân sách bền vững thì việc đầu tiên cần làm là phải tinh giản biên chế, bộ máy hành chính. Không làm được thì sẽ không bao giờ chấm dứt được bội chi.
***
2015 nợ công 61,3% GDP
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của VN, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỉ USD). Nếu xét về tỷ lệ tương đối so với GDP (186,2 tỉ USD), thì nợ công theo tính toán của WB tương đương 59% - xấp xỉ số liệu được Bộ Tài chính đưa ra. Theo WB, toàn bộ dữ liệu về nợ công VN được thu thập từ các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ. Nếu dựa trên con số này và mức dân số cuối năm 2014 là 90,7 triệu người, bình quân mỗi người dân VN “gánh” gần 1.212,8 USD nợ công.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10.2015, số liệu Chính phủ cho thấy nợ công năm 2015 dự kiến bằng 61,3% GDP, năm 2016 khoảng 63% GDP và 2015 vẫn kiểm soát dưới ngưỡng an toàn 65% GDP.