(PL)- Trong án dân sự, cán bộ tòa thường bị phía bị đơn “hành ra bã” khi tống đạt văn bản. Nhiều chiêu trò của bị đơn đã khiến cán bộ tòa điêu đứng, “cười ra nước mắt”…
Trong một vụ tranh chấp đất đai ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), thư ký Lê Thị Dự (Tòa Dân sự TAND TP Đà Nẵng) đã được giao nhiệm vụ đi tống đạt văn bản của tòa cho phía bị đơn.
Thả chó đuổi, vung dao dọa chém, ném vỏ chuối
“Vừa nghe tôi giới thiệu là cán bộ tòa, người này sầm ngay mặt, không nói không rằng, lập tức đóng cửa lại và... thả chó ra” - bà Dự ấm ức kể. Hậu quả là không những không tống đạt được văn bản, bà Dự còn phải chịu một trận “đòn” từ chú chó của bị đơn.
Bà Dự cho biết chiêu “đóng cửa, thả chó” này đã được khá nhiều bị đơn sử dụng để “tiếp” cán bộ tòa khi họ không muốn nhận giấy tờ liên quan đến vụ án. Nếu không đóng cửa, thả chó thì họ chửi bới, thậm chí đe dọa hành hung cán bộ tòa để “không bị làm phiền”.
Chẳng hạn trong một vụ ly hôn ở quận Liên Chiểu, tòa sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu ly hôn của người vợ. Sau đó, người vợ kháng cáo nên cán bộ Tòa Dân sự TAND TP Đà Nẵng đến tống đạt giấy tờ. Cán bộ tòa vừa giới thiệu đến để đưa giấy tờ liên quan đến vụ ly hôn thì người chồng lập tức đóng cửa rồi đứng từ phía trong ông ổng chửi vọng ra rất thô tục. Nghĩ đương sự đang nóng giận, cán bộ tòa cố mềm mỏng vận động thì người chồng gầm lên, mở cửa, vung dao dọa: “Tao chém nếu còn đứng đấy”. Thấy người này dữ dằn quá, cán bộ tòa đành phải rút lui.
Vụ khác, một thư ký khác đi tống đạt giấy tờ cho một bị đơn trong một vụ tranh chấp đất đai tại huyện Hòa Vang. Thư ký tòa vừa dứt lời giới thiệu “tôi đến để làm việc liên quan đến vụ kiện”, bị đơn đã liên tục chửi bậy rằng “luật sư này, luật sư nọ”. Thư ký tòa tươi cười giải thích: “Không, bác nhầm rồi, tôi không phải là luật sư, tôi là cán bộ tòa”. Nghe vậy, bị đơn trong vụ kiện ngừng chửi và quay lưng đi vào nhà. Tưởng chuyện đã xuôi, vị thư ký tòa dợm bước vào sân để đi theo thì ngay lập tức bị đơn quay lại... rút dao ra, mặt đằng đằng sát khí: “Không kiện tụng gì hết, đi tìm người khác mà kiện”.
Thư ký Ngô Đức Tài (Tòa Dân sự TAND TP Đà Nẵng) kể có vụ bị đơn thẳng thừng đẩy cán bộ tòa ra khỏi nhà để khỏi phải tiếp xúc, nói chuyện. Khi cán bộ tòa cố gắng thuyết phục thì bị người này... ném vỏ chuối vào người.
“Không biết, không liên quan”
Thư ký Lê Thị Dự cho biết cũng có những bị đơn khác thì lịch sự hơn, chỉ lắc đầu nguây nguẩy: “Tôi không nhận bất kỳ giấy tờ gì hết, muốn kiện gì thì tìm người khác mà kiện”. Có những trường hợp thì chịu cầm văn bản của tòa nhưng lại không chịu ký vào biên bản tống đạt.
Theo bà Dự, các bị đơn không chịu nhận các văn bản tòa tống đạt vì họ nghĩ rằng nếu nhận văn bản của tòa sẽ bị “thua kiện” hoặc bị thất thế, ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Dù cán bộ tòa đã giải thích rằng văn bản này chỉ là để thông tin cho họ biết về vụ kiện... để chuẩn bị thời gian, tâm lý và các chứng cứ liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ nhưng họ vẫn khước từ.
Bị đơn đã vậy, theo thư ký Ngô Thị Kiều Trang, ngay cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không muốn “dính dáng gì đến tòa” vì ngại rắc rối. Họ không nhận giấy tờ, cán bộ tòa yêu cầu họ viết chữ “không nhận” vào văn bản thì họ cũng không chịu. Có vụ khi cán bộ tòa đến đưa giấy triệu tập, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhất quyết không nhận với lý do: “Tôi không phải tội phạm, tòa phải mời chứ không được triệu tập tôi”.
“Các đương sự không hiểu rằng dù họ có nhận hay không nhận văn bản tống đạt thì cũng không làm thay đổi gì bản chất vụ án mà chỉ gây khó cho tòa và gây khó, bất lợi cho chính họ” - thư ký Lê Thị Dự than thở.
Tống đạt trực tiếp văn bản cho đương sự không được, cán bộ tòa tìm đến tổ trưởng tổ dân phố nhưng nhiều khi vẫn phải nhận cái lắc đầu vì sợ liên lụy. Như trong một vụ tranh chấp đất xảy ra ở xã Hòa Tiến (Hòa Vang), do bị đơn không chịu nhận giấy tờ liên quan đến vụ kiện nên cán bộ tòa phải tìm đến tổ trưởng tổ dân phố. Vị này cương quyết không hỗ trợ với lý do: “Tôi có đưa chưa chắc họ đã nhận văn bản, lại gây thù chuốc oán, mệt lắm”.
Không chỉ từ chối hỗ trợ, nhiều tổ trưởng tổ dân phố còn không chịu chứng kiến việc cán bộ tòa giao văn bản cho đương sự. Cuối cùng, cán bộ tòa phải dùng đến biện pháp niêm yết công khai nhưng có trường hợp cũng không xong bởi khi cán bộ tòa đang định dán niêm yết thì đương sự nhảy ra xô đẩy, đe dọa...
***
Nên thực hiện chế định thừa phát lại ở Đà Nẵng
Trong các vụ án phi hình sự, còn có nhiều trường hợp đương sự cố tình trốn tránh không nhận văn bản, giấy tờ nên cán bộ tòa phải giao cho người thân của họ. Tuy nhiên, sau đó những người thân này lại không giao lại cho đương sự như đã cam kết. Thực tế này đã gây rất nhiều khó khăn cho các tòa ở TP Đà Nẵng. Trong khi đó, hiện ở Đà Nẵng lại chưa thực hiện chế định thừa phát lại. Theo tôi, chế định thừa phát lại rất cần thiết để thay tòa tống đạt văn bản, giấy tờ đến đương sự, chia sẻ gánh nặng công việc với cán bộ tòa, giúp cán bộ tòa có điều kiện để tập trung hơn vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Thẩm phán NGUYỄN HUY ĐỨC,
Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng