VNN - “Cơn ác mộng" Paris 13/11 đang làm gia tăng những lời kêu gọi đóng cửa biên giới châu Âu, sửa lại chính sách chào đón người nhập cư mà các lãnh đạo Lục địa Già, đi đầu là Pháp và Đức, đang vất vả thuyết phục các nước thành viên. Tuy nhiên, liệu làm như vậy có phải là rơi vào "cái bẫy” mà lực lượng khủng bố giăng ra?
Thủ tướng Đức Angela Merkel có lẽ là người sẽ bị chỉ trích nhiều nhất vì chính sách giang rộng vòng tay đón người nhập cư, sau khi cảnh sát Pháp phát hiện một hộ chiếu Syria ở cạnh một sát thủ trong vụ đánh bom liều chết tại Paris vừa qua, và xác định danh tính hai nghi can khủng bố (đã chết) đều là người Syria nhập cư.
Tấm hộ chiếu Syria nói trên là của một người trong số hàng trăm nghìn người tị nạn vào châu Âu qua cửa ngõ Hy Lạp cách đây vài tháng. Có thông tin cho rằng đây có thể là hộ chiếu giả. Tuy nhiên, phát hiện này cùng với việc xác định danh tính hai nghi can khác - Ahmadul Hamd và Abbdulakbak - đều là người tị nạn Syria vừa vào châu Âu trong tháng 10, khiến người ta bắt đầu gắn kết một mối liên hệ giữa khủng bố và nhập cư. Một số nước châu Âu đã rục rịch đóng cửa biên giới của mình trong bối cảnh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đây là phản ứng tức thời, và cũng dễ hiểu, khi các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với những cái nhìn đầy hoài nghi của dư luận liên quan đến việc thực thi chính sách chung của EU giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn từ khu vực Trung Đông và châu Phi.
Dư luận lo ngại rằng các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trà trộn vào số 800.000 người di cư ồ ạt đổ về Lục địa Già trong năm nay. Mới đây nhất, sau đêm khủng bố kinh hoàng ở Paris, Ba Lan đã lên tiếng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch của châu lục. Các đảng cực hữu ở châu Âu cũng sẽ thừa cơ tranh luận rằng việc châu lục này mở cửa cho người tị nạn Syria chẳng khác nào mời khủng bố vào nhà.
Tuy nhiên, không thể khẳng định được mối liên hệ tự nhiên giữa nhập cư và khủng bố. Hiện tất cả chỉ là tiên đoán và suy diễn. Những người tị nạn bỏ chạy khỏi Syria bởi họ sợ IS, sợ chiến tranh. Nhiều người tị nạn mới đây lên tiếng khẳng định thảm cảnh ở Paris chính là những gì đã xảy ra ở Syria, buộc họ phải rời quê hương xứ sở. Nếu thế giới quay lưng lại với họ, những con người khốn khổ cùng cực này biết đi đâu và sống thế nào trong quãng đời còn lại ?
Liệu có nên để cho sự lẫn lộn này tồn tại? Tại sao một kẻ khủng bố tự làm nổ mình nhưng có thể để lại một tấm hộ chiếu Syria còn nguyên vẹn, nếu không phải là để thổi bùng sự bài ngoại ? Việc châu Âu đóng cửa với người nhập cư lúc này, dưới danh nghĩa là chống khủng bố, chẳng phải là rơi vào "cái bẫy" của bọn khủng bố giăng ra đó sao ?
Điều châu Âu cần làm hiện nay không phải là cấm cửa người nhập cư, mà cần có một cách tiếp cận khác giúp giải quyết gốc rễ của vấn đề. Các chuyên gia cho rằng nguy cơ khủng bố thực sự là những người tị nạn không được đối xử một cách nhân đạo, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị coi khinh và phải sống vất vưởng, dẫn tới sự thù hận. Điều đó sẽ biến cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu thành nguy cơ an ninh. Các nước vẫn nên mở rộng vòng tay với người nhập cư, đối xử công bằng và khoan dung với họ, bên cạnh việc tăng cường năng lực của các cơ quan an ninh, tình báo.
Chống khủng bố không thể chỉ đấu tranh chống khủng bố, dù điều này cũng rất quan trọng. Trước tiên cần chứng tỏ rằng hành động của chúng là vô nghĩa, tức là không thể áp dụng một chính sách trả đũa. Nếu không, được tiếp sức bởi các vụ đánh bom liều chết, các phần tử khủng bố sẽ tiếp tục các vụ tấn công liều chết khác.
Sau loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Tổng thống Francois Hollande nói : "Một hành động chiến tranh đã được thực hiện bởi một lực lượng khủng bố vũ trang". Ông Hollande dường như đã nhắc lại đúng những gì Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã nói sau các vụ tấn công vào Tòa Tháp Đôi hôm 11/9/2001: "Kẻ thù của tự do đã thực hiện một hành động chiến tranh chống lại đất nước của chúng ta". Những phát biểu của lãnh đạo Pháp và Mỹ cho thấy bọn khủng bố ngày càng hiếu chiến.
Xem ra, không thể chống khủng bố chỉ bằng các cuộc không kích vào sào huyệt của chúng ở Syria, Iraq, hay bằng cách đóng sập cửa biên giới đối với người di cư trốn chạy bọn khủng bố đang hoành hành tại các nước này. Lãnh đạo thế giới cần có thêm cách tiếp cận khác, thực tế hơn, tình người hơn và từ đó sẽ hiệu quả hơn.