VNN - Thảm kịch diễn ra là một thất bại với lực lượng an ninh Pháp vốn được đánh giá cao ở châu Âu. Người dân Pháp có quyền chất vấn, các lực lượng này đã làm gì mà không ngăn được thảm kịch?
Người Pháp hay nói “jamais deux sans trois”, ý là không bao giờ có lần 2 mà không có lần 3. Hiểu theo ý tiêu cực của câu nói này thì những vụ tồi tệ hơn có thể vẫn đang ở phía trước. Vậy mà đầu năm nay, khi nổ ra vụ xả súng ở Charlie Hebdo, nhiều người đã nghĩ rằng, đó đã là đáy rồi. Và báo chí thì giật tít “Cuối cùng chúng ta cũng có vụ 11-9 của mình”.
Thật đau lòng là điều đó đã sai. Những gì diễn ra đêm thứ Sáu vừa qua vượt xa những gì đã diễn ra trước đó về thương vong, sự tàn khốc và cả sự độc ác vô nghĩa trong hành động của những kẻ khủng bố.
Có những khác biệt lớn giữa Charlie Hebdo và 13-11. Trong thảm kịch đầu năm, ở một khía cạnh nào đó, những kẻ cực đoan có “lí lẽ” của chúng. Chúng tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo vốn hay châm biếm đạo Hồi và nhà tiên tri Mohamad. Chúng bắt con tin và xả súng ở một cửa hiệu Do Thái. Thậm chí, chúng đã đôi lúc hành xử “có-vẻ-đúng-mực”.
Anh em nhà Kouachi không giết một phụ nữ ở Charlie Hebdo vì “Hồi giáo không giết phụ nữ”. Khi cố thủ trong nhà máy ở Dammartin-en-Goele, chúng cũng không giết thường dân ở đó vì “chúng tao không giết người thường”. Không ca ngợi gì cả, nhưng đó là thực tế đã diễn ra.
Với những kẻ đã hành động đêm thứ Sáu ngày 13 thì không. Không một lý lẽ nào cả ngoài một mục tiêu khát máu: giết càng nhiều người càng tốt. 6 mục tiêu được chọn đều là nơi tụ hội của thường dân: quán bar, nhà hàng, rạp hát, sân vân động.
Đó là sự tha hóa tột cùng của những kẻ cuồng tín, nếu ta vẫn coi chúng có một chuẩn mực nào đó để tha hóa. Đó cũng là điểm tới hạn của sự đổ vỡ: khi đã nã súng và nổ bom vào những người hoàn toàn vô tội thì cũng có nghĩa là không còn bất kỳ chỗ nào cho đối thoại và hòa giải.
Nếu như với Charlie Hebdo là tấn công vào tự do ngôn luận, tự do biểu đạt thì ngày 13-thứ Sáu này là tấn công vào tự do lựa chọn cách sống, vào cái mà người Pháp gọi là savoir-vivre và người Mỹ gọi là way-of-life. Như thế là đối đầu toàn diện và không lối thoát.
Điều gì sẽ đến tiếp theo? Một cuộc can thiệp quân sự toàn diện vào Syria để diệt IS? Không thể, nếu không đưa bộ binh nhập cuộc. Tàu sân bay Charles De Gaulle mà Pháp điều đến có thể tăng gấp 2-3 lần năng lực không kích của quân đội Pháp nhưng cũng chỉ là giọt nước bỏ biển.
Một năm qua, Pháp thực hiện 270 vụ không kích, chiếm 4% liên quân nhưng kết quả ra sao? IS vẫn sống, vẫn tổ chức tốt, vẫn giành thêm lãnh thổ và giờ là phản công bằng khủng bố đẫm máu. Đưa bộ binh ra trận, với tất cả những rủi ro và cái giá đắt đỏ phải trả về kinh tế, chính trị, nếu có diệt được IS thì cũng không phải là trốc tận gốc rễ của hiểm họa. Không có IS này sẽ có IS khác, khi mà tư tưởng cực đoan trong thế giới Hồi giáo đang sinh sôi nảy nở không thể kiểm soát.
Cả một vùng Trung Đông, Bắc Phi biến động địa chính trị ghê gớm, các nhà nước trụ cột một thời (Iraq, Syria, Libya) tê liệt hoặc khủng hoảng trầm trọng (Ai Cập) biến khu vực thành lò lửa chiến tranh mà bom đạn có ném vào sẽ chỉ nuôi dưỡng và làm cho nó bùng phát dữ dội hơn.
Người Mỹ đã vào Afghanistan, vào Iraq và giờ đang tìm mọi cách thoát ra khi mà ở đó vẫn đang là các bãi lầy vô vọng. Sa vào cuộc chiến Trung Đông, như nhìn nhận từ mọi phía, là hành động tự sát. IS có hình hài ở Syria nhưng vô hình ở những nơi khác. Thứ chủ nghĩa vô nhân của IS có mặt khắp nơi, ngay trong lòng xã hội phương Tây và có thể gây họa bất cứ lúc nào. Không ai đi đánh nhau với một kẻ thù vô hình. Cũng chẳng ai thắng được một kẻ thù vô hình.
Tất nhiên, như thế không có nghĩa nước Pháp tủi hổ hứng chịu đau thương mà chẳng thể làm gì. Hôm nay, hai viện quốc hội Pháp sẽ đến Versailles để bàn về tương lai của đất nước, xem phải đi về đâu và phải làm gì. Việc đầu tiên có lẽ là phải xem lại chính mình. Thảm kịch diễn ra là một thất bại với lực lượng an ninh Pháp vốn được đánh giá cao ở châu Âu. Người dân Pháp có quyền chất vấn, các lực lượng này đã làm gì mà không ngăn được thảm kịch?
Nguồn gốc câu chuyện, có khi lại chỉ là tiền. Nhiều năm qua, ngân sách và nhân lực cho quân đội và cảnh sát Pháp bị cắt giảm liên tục. Trong thập kỷ 90, ngân sách quốc phòng Pháp vào khoảng 60 tỷ euro, giờ chỉ còn một nửa. Đến năm 2013, Pháp mới lập ra được Tổng cục an ninh nội địa (DGSI). An ninh Pháp không phải không biết gì về những kẻ khủng bố. Anh em Kouachi, hay Mostefai vừa lộ diện… đều nằm trong hồ sơ “S” (securite- an ninh) của Pháp, nhưng vì không đủ nguồn lực để tiếp tục theo dõi, những kẻ này bị đặt sang một bên.
DGSI tính toán, để theo dõi một kẻ tình nghi 24/24h, cần ít nhất 6 người. Chưa nói những kẻ tiềm tàng nguy hiểm trong nước, chỉ riêng lượng có dấu hiệu cực đoan bỏ sang Syria sau đó về nước cũng đã lên đến ngàn người. An ninh Pháp lo không nổi.
Vấn đề vì thế, như nhiều chính trị gia Pháp đang đòi hỏi, là phải có một Patriot Act của riêng nước Pháp. Một đạo luật như thế, dù vi hiến, dù có tước bỏ phần nào các quyền tự do, cũng có thể cần thiết để đảm bảo an ninh cho toàn xã hội. Laurent Wauquiez, nhân vật số 3 của Les Republicains, thậm chí còn đề xuất lập ra một “Guantanamo nước Pháp” để giam giữ khoảng 4.000 đối tượng trong “Hồ sơ S” đồng thời trục xuất các imam cực đoan, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo cực đoan, tước bỏ quốc tịch Pháp với những kẻ cuồng tín.
Thủ tướng Pháp, Manuel Valls không phản đối: sẽ xem xét mọi giải pháp. Thực ra, đây không phải lần đầu người Pháp nhắc đến Patriot Act. Sau vụ Charlie Hebdo, đứng trước sức ép an ninh ngày càng lớn, quốc hội Pháp đã thông qua vào tháng 7 đạo luật an ninh mới, trong đó trao thêm rất nhiều quyền cho lực lượng cảnh sát và thẩm phán xét xử khủng bố, bất chấp sự đối đầu với Ủy ban nhân quyền đặt trong Nghị viện châu Âu.
Nhưng với vụ 13-11 này, câu chuyện có thể còn đi xa hơn. Mô hình quản trị châu Âu đang bị đặt dấu hỏi. Hiệp ước Schengen rõ ràng đã khiến cho việc kiểm soát biên giới khó khăn gấp bội và các thiết chế bó hẹp quyền tự quyết của mỗi thành viên, như việc đặt ra một Patriot Act cho Pháp, làm tăng sự bất mãn ở nhiều nơi.
Lựa chọn giữa tự do cá nhân và an ninh tập thể là bài toán khó. Sẽ có những tranh cãi gay gắt, đương nhiên, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện rất nhiều tư duy đổi hướng. Những biến cố lớn bao giờ cũng tạo ra đổi thay. Như Mỹ sau 11-9, nước Pháp sau ngày 13-11 sẽ không bao giờ trở lại như trước.
Theo hướng nào thì chưa biết, nhưng có lẽ đã đến lúc lưu ý câu nói của Napoleon ngày nào: “Phải xóa bỏ những quyền tự do nhân danh tự do”.