(GDVN) - Nhiều giáo viên vì mong mỏi và nuôi dưỡng ước mơ vào biên chế mà đánh đổi biết bao nhiêu cơ duyên, tuổi xuân, tiền bạc… nhưng không có kết quả.
Có đường là “chạy”
Nhiều cử nhân ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường nhưng phải chạy đôn chạy đáo để xin việc. Chạy vạy đủ kiểu và nhiều trường hợp phải chấp nhận đánh đổi mọi thứ để được vào biên chế.
Câu chuyện về một cô giáo hợp đồng ở Tây Nguyên sẵn sàng “đổi tình lấy biên chế” với vị Hiệu phó không còn là chuyện hiếm trong môi trường giáo dục ngày nay.
Nỗi đau của giáo viên hợp đồng không chỉ phải “chạy” bằng tiền, bằng tuổi thanh xuân mà còn phải đánh đổi bằng tấm thân.
Một suất biên chế trở thành nỗi ao ước của bao giáo viên nhưng đó cũng là miếng mồi béo bở cho các lãnh đạo đưa ra mua bán, đổi chác.
Cách đây ít ngày, một người bạn của tôi, sau bao nhiêu năm ròng rã xa quê ở Thanh Hóa để vào một huyện miền núi tỉnh Lâm Đồng dạy hợp đồng đã nhắn tin buồn bã “Mình phải nói với mẹ mình rằng ‘Con lại sai nữa rồi’”.
Cậu bạn ấy tên Hưng, từng là học sinh giỏi có tiếng của một trường công lập tại Thanh Hoá.
Năm học 2006-2007 Hưng thi Đại học. Nhiều người khuyên với lực học của Hưng nên thi vào khối các ngành kỹ thuật như xây dựng, giao thông hoặc khối các ngành kinh tế để sau này dễ có việc làm và lương bổng cao.
Nhưng sau khi đắn đo, Hưng quyết định thi sư phạm Hóa - Trường Đại học Hồng Đức. Với suy nghĩ, học sư phạm sẽ đỡ cho cha mẹ gánh nặng học phí.
Cha mẹ, người thân khuyên Hưng nên thay đổi suy nghĩ vì lo chuyện thất nghiệp. Hưng vẫn quyết định theo nghề một phần vì yêu nghề, phần vì kinh tế gia đình.
Kèm theo đó, Hưng luôn trấn an rằng “nghề nào có tài cũng sẽ được trọng dụng”.
Ra trường vài năm, trong khi các bạn cùng trang lứa đã nghề nghiệp ổn định thì Hưng vẫn trầy trật. Sau nửa năm thất nghiệp, Hưng xin đi dạy hợp đồng.
Gần 3 năm ròng rã dạy hợp đồng với mức lương tính theo giờ dạy. Trọn tháng thu nhập vẻn vẹn chưa đầy 1,5 triệu đồng.
26 tuổi, Hưng được một người quen giới thiệu vào Lâm Đồng đi dạy sẽ có đường “chạy” một suất vào biên chế.
Nghe theo, Hưng và gia đình quyết định vay tiền để nhờ người quen "gửi gắm".
Ban đầu là dạy hợp đồng, và được hứa “sau nửa năm sẽ cất nhắc vào biên chế”. Nhưng lời hứa của người quen cứ thế xa dần.
Bước sang năm thứ 4 đi dạy hợp đồng, Hưng vẫn chỉ nhận một lời hứa “gắng chờ chỉ tiêu”. Gần 30 tuổi Hưng vẫn không thể tự nuôi sống mình bằng nghề.
Trước kia, Hưng tự hứa với lòng sẽ tâm huyết gắn bó với nghề và phụng dưỡng cha mẹ già yếu.
Nhưng khi cái tuổi 30 mà trong tay chỉ hai bàn tay trắng. Ngày đi dạy, tối phải đi giữ xe thuê cho quán cà phê nhưng vẫn không thể đủ để nuôi bản thân, Hưng đã không thực hiện được ước mơ của mình.
Ngược xuôi vì biên chế
Một người bạn khác, tên là Châu, quê ở Quảng Bình cùng học ngành sư phạm với tôi.
Sau khi ra trường được 2 năm, Châu xin vào dạy hợp đồng tại một trường cấp 2 ở Quảng Bình và tìm cơ hội để vào được biên chế nhưng mãi vẫn chỉ là giáo viên dạy hợp đồng.
Mỗi năm, cứ hết hợp đồng ở trường này, Châu lại xin sang trường khác dạy, có khi phải đi xa nhà gần 20 km.
Sau khi nghe mọi người khuyên nên đi xa để tìm cơ hội. Dù gia đình neo người, ba mất sớm chỉ còn hai mẹ con, nhưng Châu vẫn quyết định xin vào dạy tại một huyện miền núi tỉnh Kon Tum.
Hơn hai năm trôi qua nhưng con đường vào biên chế của Châu vẫn chưa hề mở.
Nhiều người gợi ý cô chung chi gần trăm triệu để có một suất biên chế nhưng gia cảnh nghèo khó, lương hợp đồng không đủ sống thì lấy đâu ra số tiền ấy mà “chạy”.
Cuộc sống khó khăn, cô lại quyết định rời Kon Tum và về Sài Gòn với suy nghĩ: “mảnh đất này sẽ dễ tìm cơ hội hơn”.
Khi về Sài Gòn, cầm tấm bằng đại học sư phạm chuyên ngành địa lý, cộng thêm thâm niên giảng dạy gần 5 năm nhưng Châu vẫn chỉ vật vờ với công việc của một giáo viên hợp đồng.
Thời gian chủ yếu của Châu là đi làm gia sư để trang trải cuộc sống.
Không thể sống nổi được với nghề và càng không thể có cơ hội vào biên chế, Châu quyết định về lại quê tìm cơ hội mới.
Đó chỉ là hai trong số nhiều người bạn của tôi đã phải dở dang ước mơ được làm thầy, làm cô chỉ vì không có được một suất biên chế.
Các bạn đồng nghiệp khác, có ai trong hoàn cảnh như thế không?