Dân Trí - Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã giải thích rõ hơn về việc ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã “tự thú” hay “đầu thú” tại cơ quan điều tra và có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự? Đây là vấn đề đang gây thắc mắc trong dư luận.
Ngay sau khi bản tin thời sự phát lúc 19h trên kênh VTV1 ngày 3/8 phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) – viết “Đơn xin tự thú”, vấn đề này đã gây băn khoăn, thắc mắc trong dư luận. Vì trước đó Bộ Công an đã thông tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra “đầu thú”.
Vậy ông Thanh đã “đầu thú” hay “tự thú” và có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này?
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định, lá đơn của ông Trịnh Xuân Thanh có thể viết như vậy nhưng “đầu thú” hay “tự thú” do cơ quan tiến hành tố tụng xác định.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh từ tháng 9/2016. Đến ngày 31/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh mới ra trình diện cơ quan điều tra, nên có thể khẳng định rằng ông Thanh thuộc trường hợp ra “đầu thú”, không phải “tự thú”.
“Tự thú” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật Hình sự hiện hành. Còn “đầu thú” không được quy định trong luật nhưng vẫn được giảm nhẹ do trước đây liên ngành tư pháp có văn bản hướng dẫn để vận động người phạm tội ra đầu thú.
“Tự thú có ý nghĩa hơn vì quy định trong luật. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh nếu được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì là dựa trên tình tiết đầu thú thôi, chứ không phải tự thú”- ông Nguyễn Sơn nói.
Liên quan đến việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi ra đầu thú, trao đổi với phóng viên Dân trí trước đó, TS Dương Thanh Biểu- nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao cho biết pháp luật hiện hành quy định để được giảm án có mấy điều kiện như tự thú, khai báo thành khẩn, chủ động khắc phục hậu quả,...
“Thanh là một nhân vật được dư luận quan tâm đặc biệt, vụ việc của Thanh đang được điều tra nên lúc này đặt vấn đề xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm án là quá sớm. Nếu Thanh muốn được xem xét giảm nhẹ thì không có cách nào khác là phải khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra làm rõ được trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc nghiêm trọng này và chủ động khắc phục hậu quả”- ông Biểu nói.
Trong đơn xin đầu thú của ông Trịnh Xuân Thanh có đoạn: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.
Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.
Trả lời trong phóng sự của VTV1, ông Thanh nói: “Trong quá trình trốn chạy mình cứ nghĩ về việc mình làm, thời điểm đó rất nông nổi, suy nghĩ không chín chắn, quyết định đi trốn. Trong quá trình như thế, mình thấy rằng mình cần phải về để đối diện với sự thật. Cái thứ hai nữa là mình về mình ngẫm lại, nhận thức được, báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình đã động viên mình xin tự thú tại công an”.
***
Làm rõ tài sản đang được cất giấu ở đâu để kê biên, phong toả
Liên quan đến việc phong toả, kê biên tài sản trong vụ án xảy ra tại PVC, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ chứng cứ buộc tội và xem xét vật chứng liên quan đến tội phạm là tài sản đang ở đâu, gồm những cái gì.
“Cơ quan điều tra phải làm rõ các tài sản này để đảm bảo thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt”- ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, khi toà án thụ lý vụ việc mà thấy kết luận điều tra chưa làm chặt chẽ, chưa đầy đủ thì có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung; nếu thấy tài sản rõ rồi mà chưa bị kê biên, phong toả thì toà án có thể ra quyết định kê biên. “Còn hiện tại, việc xác định tài sản có hay không và đang ở đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra”- ông Sơn nói.
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng) đều bày tỏ thái độ đặc biệt quan tâm tới việc thu hồi tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh và những đồng phạm tại PVC.