BBC - Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại châu Á đang khiến cho Việt Nam và Ấn Độ tính đến những bước đi "chắc chắn và khả thi" nhằm bảo vệ lợi ích của mình, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ nói.
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang có những bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Hôm 6/7, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố 'vững vàng giữ chủ quyền' ở Biển Đông sau khi Việt Nam cho tiến hành khoan tìm dầu tại vùng biển có tranh chấp.
Trên bộ, đã xảy ra tình trạng đối đầu quân sự Trung-Ấn tại vùng Sikkim kéo dài suốt bốn tuần qua trên một phần đường biên giới chung kéo dài 3.500km giữa hai nước.
Trong cuộc phỏng vấn với PTI, được thực hiện trong chuyến thăm mới đây tới Ấn Độ, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam cho biết hai nước đã thảo luận về tiến độ triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ song phương "một cách mạnh mẽ".
Ông Phạm Bình Minh nhắc tới hoạt động đầu tư của các hãng Ấn Độ vào Việt Nam, đáng kể là hãng ONGC Videsh hoạt động khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc luôn phản đối các dự án khai thác dầu Ấn Độ ký với Việt Nam tại một số địa điểm trên Biển Đông mà Bắc Kinh nói thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ nói rằng nước này đang hợp tác với Việt Nam theo đúng luật quốc tế, và muốn sự hợp tác đó tiếp tục phát triển, PTI nói.
Trong chuyến đi kéo dài từ ngày 3 đến 5/7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ tay đôi với giới lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee và Ngoại trưởng Sushma Swaraj.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó ra thông cáo nói hai bên nhấn mạnh việc ủng hộ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tự do bay, tự do thương mại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Hai bên lặp lại quan điểm trong bối cảnh cùng ghi nhận nội dung phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) đưa ra hồi tháng Bảy năm ngoái, theo đó bác yêu sách của Bắc Kinh về đường chín đoạn trên Biển Đông.
Hồi 9/2016, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, sau khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập hồi 2007.
Việc nâng cấp quan hệ này, ông Phạm Bình Minh được PTI dẫn lời, đã tạo khung hoạt động quan trọng cho sự hợp tác song phương sâu rộng trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, và các lĩnh vực khác.
Về mặt kinh tế, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.