Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Ngọc Trinh và câu chuyện “quyền của chúng ta“

ĐÀO TUẤN

LĐO - Thưa kiện không xấu, cũng chẳng có gì là điều tiếng. Thậm chí nó còn đang là việc thực tế hoá quyền được bảo vệ của mỗi cá nhân, một thứ quyền nhân thân được pháp luật thừa nhận.

Nụ cười đã nở trên môi Ngọc Trinh khi sáng nay 11.7, toà án đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nữ diễn viên này để buộc Nhà hát kịch TP phải bồi thường cho chị số tiền 233 triệu đồng.

Câu chuyện khá đơn giản. Diễn viên Ngọc Trinh có thỏa thuận miệng với Nhà hát về việc chị sẽ đầu tư các vở kịch để biểu diễn ở nhà hát TP theo phương thức xã hội hoá. Nhưng sau đó, hai bên không thỏa thuận được với nhau về một số quyền lợi nên nhà hát đã có văn bản chấm dứt hợp tác với Ngọc Trinh, đồng thời chấm dứt luôn hợp đồng lao động với chị.

Nữ diễn viên đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa buộc Nhà hát kịch TPHCM phải hoàn trả chi phí đầu tư cho 6 vở kịch đã biểu diễn, chi phí bù lỗ diễn viên biểu diễn, chi phí đầu tư kịch bản tết… với số tiền 546 triệu đồng.

Không cần phải nhắc tới những diễn biến tại toà. Chỉ cần thấy việc chấm dứt hợp tác, đồng thời chấm dứt luôn hợp đồng lao động cho dù Ngọc Trinh không có bất cứ vi phạm gì, đã cho thấy sự vô lý và vô lối của cường quyền.

Và Ngọc Trinh đã chọn cách thức thưa kiện ra toà.

Hình như trong thực tế, không nhiều người trong chúng ta lựa chọn cách thức hành xử ấy.

Mâu thuẫn tiền bạc, dẫn đến vụ án chém lìa đầu ở Vĩnh Phúc. Bị vu oan giá họa "hiếp dâm đến chết 1 chàng trai", 2 cô gái vô tội cũng như gia đình gần như bấn loạn vì không có cách gì để tự bảo vệ. Và còn nữa, 1,3 triệu chủ xe đang chỉ biết kêu gào và chửi thề khi việc xử phạt xe không có giấy tờ gốc được áp dụng.

Tại sao những tranh chấp mâu thuẫn tiền bạc ấy lại không được thưa toà? Tại sao các cô gái không biết quyền đối với hình ảnh cũng là một thứ quyền nhân thân? Và tại sao toà án lại như người ngoài cuộc với một chính sách ảnh hưởng đến 1,3 triệu chủ xe?

Trong 3 câu hỏi vừa được đặt ra ở trên, dường như đã có câu trả lời. Sự thiếu tin tưởng và tâm lý "được vạ thì má đã sưng" khiến cho người dân lựa chọn cách thức giải quyết đôi khi là ngoài luật. Một xã hội nhiều vụ kiện tụng mới là tiến bộ, chứ không phải thứ xã hội tự hành xử như chúng ta hằng chứng kiến.