Dân Trí - Thừa nhận những bất cập của pháp luật trong sự việc CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính giấy đăng ký xe, tại cuộc họp báo sáng 20/7, đại diện Bộ Tư pháp cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ thực tế này.
Liên quan đến việc CSGT xử phạt đối với người điều khiển ô tô mang không mang bản chính Giấy đăng ký xe, trong đó nhiều trường hợp là ô tô đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tại cuộc họp báo thường kỳ sáng nay 20/7, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.
“Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”- ông Hiển nói.
Thông tin thêm, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật cho rằng hiện có khoảng 1,3 triệu ô tô đang thực hiện việc thế chấp giấy đăng ký xe tại ngân hàng.
Theo ông Sơn, việc CSGT xử phạt đối với người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính đăng ký xe mà chỉ có bản sao công chứng và giấy chứng nhận của tổ chức tín dụng đã dẫn tới sự hoang mang, phản ứng trong dư luận.
“Qua nghiên cứu trao đổi, chúng tôi thấy rằng lực lượng CSGT xử phạt theo Nghị định 46 là có cơ sở pháp lý, trên cơ sở thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật xử phạt vi phạm hành chính. Còn các tổ chức tín dụng giữ bản chính đăng ký xe là một thực tiễn, xuất phát từ việc các ngân hàng muốn đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh nên giữ giấy tờ bản chính để tránh phát sinh nợ xấu - vấn đề rất lo, vật lộn để giảm thiểu vấn đề này”-ông Sơn phân tích.
Ông Sơn khẳng định việc này có liên quan tới nhiều quy định của pháp luật hiện hành về giao dịch đảm bảo, giao thông đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính và chứng thực. Tuy nhiên tất cả các luật này đều có thêm câu “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
“Rõ ràng quy định pháp luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa phải rõ ràng minh bạch để ai cũng phải hiểu một cách giống nhau. Nếu tiếp tục xử phạt với người dân chỉ mang theo bản sao có thể tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính kinh tế, người dân không thế chấp nữa để vay vốn mua phương tiện giao thông đường bộ”-ông Sơn nói.
Nhấn mạnh đây không phải xung đột pháp luật, mà các quy định trên chưa thống nhất đồng bộ, ông Sơn cho rằng việc giải quyết thời gian tới phải đảm bảo việc điều chỉnh cho đồng bộ, để người dân, doanh nghiệp thực hiện thống nhất thì mới đảm bảo tuân thủ pháp luật được.