Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

2 thái cực nguy hiểm của con em ở các đô thị hiện nay

Hoàng Hường

Trên FB cá nhân của mình, chị Hoàng Hường có một chia sẻ rất hay như một cảnh báo và cũng là nguyên nhân dẫn đến những kết cục đau buồn của con em chúng ta. Được phép của tác giả, xin chia sẻ với các bạn phụ huynh. Đừng để con em rơi vào 2 thái cực này!

Bậc thang khát vọng cho con

Bài viết ở ảnh trên được trôi nổi trên FB với nhiều lượt chia sẻ, đều ghi Sưu tầm, nghĩa là không biết ai là tác giả thật, và độ chính xác của thông tin ra sao. Tôi không loại trừ việc ai đó sáng tác câu view. Nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta có cơ sở để tin những câu chuyện thế này đã/đang/sẽ còn diễn ra trong đời sống thật.

Với góc nhìn của một phụ huynh, tôi thấy con cái chúng ta hiện nay (ở các đô thị) đang ở hai thái cực rất rõ:

Vô định hoang mang, chẳng thiết tha điều gì, chẳng mong đợi điều gì, cũng chẳng xúc cảm gì.

Về vật chất, cuộc sống không còn thiếu thốn, mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 con. Những đứa trẻ nhận được – đôi khi ở mức dư thừa – sự quan tâm chiều chuộng cả về vật chất và tinh thần.

Mọi thứ đã được cha mẹ sắp đặt theo công thức, từ ăn gì uống gì, mặc gì, học trường nào đến theo ngành gì rồi làm ở đâu. Những đứa trẻ như một cái máy, chỉ thực hiện công thức. Để rồi, một ngày nào đó chúng bỗng nhận thấy cuộc sống thật nhạt nhẽo vô vị; và trong một ngày xấu trời nào đó, một cơn hờn dỗi nào nhỏ mọn, cũng dẫn đến những hành động thật không lường.

Đôi khi chuyện bất ngờ không đến từ áp lực hay bi kịch ghê gớm, nó đến từ… vô định, khi bậc thang khát vọng bị tước bỏ.


Bạn hãy quan sát một đứa trẻ nhà nghèo, … ánh mắt nó sáng lên sung sướng thế nào khi được cho túi kẹo, cái áo mới. Bạn nghĩ rằng nó đáng thương hơn con bạn ư? Chưa chắc! Có khi nó hơn con bạn ở chỗ nó ĐANG CÓ MỘT CÁI THANG KHÁT VỌNG. Hôm nay nó vui với cái kẹo, ngày mai nó vui có cái áo, ngày kia tranh thủ kỳ nghỉ hè kiếm tiền mua tivi… mỗi bậc thang là một bậc hạnh phúc.

Khi tìm được cái thang khát vọng, những đứa trẻ gần như khá vững vàng lớn lên, luôn có mục tiêu để phấn đấu, có mục đích cụ thể để theo đuổi, có lý tưởng và niềm tin để thấy cuộc sống ý nghĩa. Nó có thể thất bại ở lúc nào đó, nhưng cuộc đời nó chắc chắn không lờ nhờ trống rỗng.

Ngược lại, vì sao rất nhiều cậu ấm cô chiêu sinh ra trong tiền bạc danh tiếng lại chôn vùi cuộc đời trong nghiện ngập, bê tha, ăn chơi, hoặc sống cuộc đời lờ nhờ bạc nhược. Bởi vì, họ chẳng có một cái thang nào cả. Từ cái nôi vàng, họ có thể bước một bước lên mây, rồi bồng bềnh trôi dạt, không cao không thấp, không đi đâu về đâu, chẳng biết mình muốn gì.

Ở đây, tôi không nói hoàn cảnh nghèo là tốt, và giàu là xấu. Chính xác hơn, có những đứa trẻ, những gia đình tưởng giàu (vật chất) nhưng thực ra đời sống của họ rất nghèo nàn. Họ không xây dựng được cho con mình một mong muốn, một khát khao hay một đích đến nào để nhắm tới. “Việc của con là ăn nhiều tăng cân, còn thế giới để mẹ lo”.

Và đến một ngày nào đó đứa trẻ nhận thấy cuộc sống của nó nhạt nhẽo như món ăn ngày nào mẹ cũng xúc tận mồm, không màu, không mùi, không vị, không bất ngờ gì; và nó vùng lên thay đổi, hoặc rất tích cực; hoặc rất tệ.

Đừng đặt sẵn mọi thứ trước mặt chúng, hãy đặt một chiếc thang.

Thái cực ngược lại: gánh trên vai nhiều kỳ vọng, áp lực theo công thức quá

Việc của con là học, là vào trường chuyên lớp chọn trường top, xúc cơm để mẹ lo”.

Đã có không ít chuyện buồn về các cô cậu bé học sinh/sinh viên giỏi phải tá túc trong viện tâm thần. Những cuộc chạy đua từ mẫu giáo đến đại học, mà chẳng biết đua cái gì, hơn thua để làm gì; những cuộc thi lớn nhỏ vắt kiệt sức lực và niềm vui sống của chúng.

Chúng ta luôn dạy trẻ và dạy nhau sự quyết tâm, nỗ lực ganh đua; nhưng hầu như không ai dạy trẻ và dạy nhau sự buông bỏ, khoan dung.

Có lúc nào bạn hỏi con:

- Nếu con muốn làm lớp trưởng, và người bạn thân con cũng muốn điều đó, giữa việc được làm lớp trưởng, với việc có thể mất bạn thân, con thấy điều gì quan trọng hơn?

Nếu là tôi, tôi sẽ khuyên con chọn điều thứ 2, rút lui cho bạn làm. Lớp trưởng làm thì cũng vui, không làm cũng chẳng sao; không làm lúc này có thể học kỳ sau hoặc sang năm làm; nhưng có được người bạn thân thiết để vui vẻ mỗi ngày, chẳng tốt hơn sao?

Nhà tôi có lệ không bao giờ đi du lịch vào ngày lễ, không đến đám đông, không tham gia bất cứ cuộc thi nào. Tôi luôn nói với con: nếu nơi nào đông người, con hãy tránh ra; thấy nhiều người đang tranh cái gì, con lùi lại, cho họ giành nhau chán đi. Mình tìm niềm vui khác, trò khác, ngày khác đi chơi.

Cuộc sống có ty tỷ thứ, đâu phải chỉ là một trận đá bóng, 22 con người tranh nhau 1 quả bóng đâu mà khổ vậy.

Hãy nhớ rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời duy nhất, tưởng dài thực ra trôi qua lúc nào không biết; có những người dùng hầu hết phần đời để tranh giành thứ gì đó với đời, với người; ngay với chính cả người thân mình; rồi trong một chớp mắt họ nhận ra mình chẳng có thời gian để tận hưởng cái điều mất cả đời tranh giành đó.

Không đáng chút nào! Học cách nỗ lực mỗi ngày, tìm bậc thang cuộc đời; đồng thời cũng học buông bỏ, giống như dòng nước, mềm mại trôi đi.