(GDVN) - “Cần thiết ngăn chặn áp lực, xu hướng khai thác ngắn hạn chộp giật, lợi dụng trong thời gian ngắn bất chấp hủy hoại thiên nhiên, di sản để mưu lợi”.
Xoay quanh việc có nên mở rộng phát triển các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, ngày 29/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội kháo 14, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Trong buổi làm việc ngày 28/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo trong vòng 3 tháng tới để lấy ý kiến chuyên gia lúc đó lãnh đạo Đà Nẵng mới đưa ra quyết định và có đề nghị cụ thể với Trung ương.
Tôi cho rằng, cách làm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất đáng hoan nghênh, nó thể hiện tinh thần “Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ”.
Liên quan đến việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại bán đảo Sơn Trà hiện nay, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết:
“Về vấn đề của bán đảo Sơn Trà cũng như là nhiều nơi khác, cá nhân tôi từng nêu như ở Sơn Đoòng, Cát Bà, Hạ Long… hay các vùng miền khác, đó là Chính phủ đã từng nêu “không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”, ở đây tôi cho rằng không chỉ là môi trường mà nói đúng phải là “không hy sinh tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế”.
Tôi cho rằng, tài nguyên thiên nhiên là một tài sản hết sức quý báu, trong quá trình phát triển của chúng ta, chúng ta phải có quan điểm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Tài sản thiên nhiên, Sơn Đoòng là tài sản thiên nhiên hàng triệu năm kiến tạo mới được như vậy, phải nói rằng, rất hiếm hoi trên thế giới.
Nếu mà chúng ta khai thác phụ vụ lợi ích nhất thời nhưng nó phá hỏng đi sự nguyên vẹn, nguyên sơ, độc đáo và thậm chí ở góc độ nào đó là sự hủy hoại tài sản thiên nhiên đó.
Tôi cho rằng phát triển theo hướng này là một khuyết điểm lớn về mặt quản lý, một sai lầm về nhận thức.
Trong vấn đề Sơn Trà, tôi cũng cho rằng tìm được một khu vực thiên nhiên quý báu như Sơn Trà thì bây giờ không còn nhiều ở đất nước chúng ta nữa.
Do đó, cần thiết chúng ta phải bảo tồn được.
Tôi nhất trí với ý kiến kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, hiện đã làm khoảng 300 phòng lưu trú trên bán đào Sơn Trà nên giờ không thể hơn được nữa.
Chẳng những dừng lại việc mở rộng xây dựng, theo tôi cần tiếp tục làm một số công việc khác để bảo tồn. Chính nhờ chúng ta bảo tồn được vẻ đẹp vốn có của Sơn Trà thì chúng ta mới thu hút được khách du lịch cao cấp.
Đồng thời, trong việc phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà, chúng ta phải nghĩ đến việc phục vụ cho cả người dân Đà Nẵng.
Bởi tài sản thiên nhiên đó, từ trước đến nay người dân bảo tồn, người dân Đà Nẵng người ta có quyền hưởng thụ cái tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất mà người ta sinh sống.
Tôi chưa biết quyết định của Đà Nẵng, Chính phủ thế nào nhưng tôi đề nghị Chính phủ kiên quyết về vấn đề này và ủng hộ ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng”.
Nói thêm về quản điểm phát triển du lịch bền vững ở bán đảo Sơn Trà, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đưa ra quan điểm:
“Đến nay, chúng ta đã cho phép 300 phòng lưu trú và đến đó là dừng, giờ là việc đầu từ để bảo tồn thiên nhiên.
Một khu vực môi trường tốt, thiên nhiên đẹp, trong sạch người ta mới ở lâu.
Hướng của du lịch nói chung, chúng ta tiếp tục đầu tư tôn tảo không được hủy hoại thiên nhiên, di sản.
Ngăn chặn áp lực, xu hướng khai thác ngắn hạn chộp giật, lợi dụng trong thời gian ngắn hạn bất chấp tài sản quý báu của thiên nhiên, di sản để mưu lợi ngắn hạn”.
Liên quan đến các dự án phát triển tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin vào chiều 28/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan về các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đối với bản quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch - ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, phạm vi ranh giới được quy hoạch cho phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là 1.056 ha. Tuy nhiên, diện tích xây dựng các công trình lưu trú là rất nhỏ, chỉ khoảng 2%.
Trước thời điểm tiến hành lập quy hoạch này, thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận đầu tư cho 25 dự án tại bán đảo Sơn Trà, trong đó có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Trong số 18 dự án này có 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực lưu trú với quy mô 5.049 phòng khách sạn. Ban đầu, phương án quy hoạch đề xuất là khoảng 1.600-3.200.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu xem xét giảm quy mô phòng xuống mức 1.600.
Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, quy hoạch du lịch Sơn Trà đã được lập, trình và phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, trong đó các Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến về bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong suốt quá trình lập Quy hoạch, Bộ đã triển khai thực hiện một cách khoa học, khách quan, phối hợp chặt chẽ với Thành phố Đà Nẵng.
Đại diện Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết từ 2003-2012, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt 25 dự án, trong đó có 18 dự án phát triển du lịch.
Trong 18 dự án với tổng diện tích 1.222 ha, việc lập thẩm định dự án tuân thủ các quy định về an ninh quốc phòng và không có nhà đầu tư nước ngoài, mật độ xây dựng không quá 10%, tương ứng không quá 122,2 ha, chiếm tỷ lệ 2,75% diện tích bán đảo Sơn Trà.
Về đất đai, có 11/18 dự án đã nêu trên đã được ban hành quyết định giao, cho thuê đất với tổng diện tích 344 ha.
Về chứng nhận đầu tư và tình hình triển khai, đã có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 3 dự án đã được đưa vào hoạt động.
Cũng theo ông Tuấn, trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch ở tất cả các khâu từ lập đề cương nhiệm vụ, khảo sát thực địa, thu thập thông tin, tài liệu đến hình thành ý tưởng phát triển và dự thảo.