Hôm qua, phó thủ tướng Vũ Đức Đam "vi hành" núi Sơn Trà.
Nói là "vi hành" cho nó hình tượng thôi, bởi từ "vi hành" chỉ dành cho những bậc vua chúa thời phong kiến đi thăm thú dân sinh một cách bí mật. Anh Đam không phải vua, nên đây thật ra là một chuyến đi thị sát của đương kim phó thủ tướng chính phủ nhằm tìm hiểu thêm về bán đảo Sơn Trà, nơi mà ông vừa "nhỡ tay" ký vào bản quy hoạch hồi tháng 11/2016. Nói PTTg nhở tay là có cái lý của nó, vì chính bản thân ông cũng thừa nhận rằng, cần phải quy hoạch "thật sự khoa học", và ông "sẵn sàng quy hoạch lại nếu cần thiết". Nếu đã tự tin làm chuẩn xác rồi thì cần gì phải xem lại.
Chuyến đi của ông Đam gây xúc động mạnh đối với những người quan tâm đến Sơn Trà. Bởi lẽ lần này ông chỉ đi cùng ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư thành ủy Hội An và một vài trợ lý, không tùy tùng, không giới truyền thông... Qua đó, một số người tin rằng, ông Đam với tư cách cá nhân, đã có một chuyến đi "thực sự cầu thị", một ngày trước cuộc họp quan trọng với UBND thành phố ĐN và các bộ ngành liên quan về vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà (ngày 28/05).
Hình ảnh ông lặng lẽ đứng nhìn về phía xa xa không thoát khỏi ống kính của những nhiếp ảnh gia vô tình bắt gặp, đã dấy lên một niềm lạc quan mạnh mẽ về một quyết định trọng đai đối với sự sống còn của bán đảo Sơn Trà. Ai cũng hiểu, nếu như bản quy hoạch cũ được giữ nguyên và tiếp tục nghĩa là Sơn Trà sẽ bị cày nát và thay thế bằng những khu biệt thự. Đó là điều mà chỉ có một số ít người muốn thấy, dĩ nhiên, vì nó mang lại cho họ một nguồn lợi khổng lồ.
Viết đến đây, trong đầu tôi lại nẩy ra một câu hỏi hơi mắc cười. Rốt cuộc, Sơn Trà là của ai?
Điều 53, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Như vậy, những cánh rừng già hàng nghìn năm tuổi, những chú Vooc Chà Vá chân nâu hay hàng trăm, hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm khác trên bán đảo Sơn Trà là sở hữu của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Một đứa bé mới sinh ra, chỉ cần đăng ký khai sinh xong là nó đã có trong tay quyền sở đất, nước, rừng, chim thú trên bán đảo Sơn Trà, tương tự như khoản nợ hàng chục triệu đồng từ nợ công mà nó phải gánh trên lưng vậy.
Vậy câu hỏi ấy có gì mắc cười?
Sự xôn xao của cộng đồng mạng ngày hôm qua cho tất cả chúng ta thấy được một điều rằng, với những người yêu thiên nhiên, những người biết quý môi trường sống, vận mệnh của một khu bảo tồn thiên nhiên có một không hai trên thế giới, tưởng chừng như là của tất cả mọi người, giờ chỉ biết trông chờ vào sự tử tế của một người, hoặc một nhóm người. Vì thế, hình ảnh anh Đam đăm chiêu đứng ngắm Sơn Trà ngày hôm qua gợi lên nhiều nỗi xót xa hơn là niềm vui sướng.
Nhưng ngoài bán đảo Sơn Trà, còn bao nhiêu những khu sinh thái khác không được may mắn như thế. Bà Nà Núi Chúa, rặng Nam Ô, hay xa hơn là Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Cát Bà... Tôi đoán chắc rằng những người yêu thiên nhiên ở những nơi đó cũng ước gì một lần được những lãnh đạo cấp cao của nhà nước trực tiếp thị sát, trực tiếp cảm nhận hơi thở của cây cỏ, của muôn thú bằng tất cả trái tim mình, trước khi đặt tay ký vào những bản án tử hình.
Đất Quảng Nam - Đà Nẵng, như tôi được biết, không thiếu những con người sẵn sàng sống chết, thậm chí chấp nhận thân bại danh liệt để bảo vệ bằng được hòn ngọc Sơn Trà. Như chàng Don Quixote lao mình vào một cuộc chiến không cân sức, không cần biết đến thắng thua, để rồi kết quả có thế nào đi nữa cũng tạo nên một màn vĩ thanh của những trái tim hiệp sĩ.
Anh Vũ Đức Đam, với chuyến thị sát của mình ngày hôm qua, đã thực sự tạo nên một tiếng vang rất lớn trong dư luận. Với riêng cá nhân mình, anh ấy đã tạo dựng được một ấn tượng khá lung linh trong lòng công chúng. Đó cứ coi như là một thành công của riêng anh ta, phần còn lại, chúng ta hãy chờ đợi những hành động thiết thực tiếp theo như thế nào mà thôi.
Cứ chờ, chuyện hay ho sẽ không còn xa, nhưng khoan hãy đặt quá nhiều kỳ vọng. Kết quả dù có thế nào đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ có những nụ cười mãn nguyện. Khi mọi thứ hạ màn, chúng ta sẽ có câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi: SƠN TRÀ LÀ CỦA AI?
P/s: Hơn 15k cho một bài báo >>> này, trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ đủ thấy lòng dân quan tâm đến Sơn Trà, đến môi trường như thế nào rồi, việc còn lại là phải chờ? (MP)