Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Thanh tra nhân dân, bù nhìn hay chỗ dựa?

THIÊN ẤN

(GDVN) - Sự thật là nhiều người thanh tra cũng không tội gì làm cho nghiêm, cho đúng để anh em, đồng nghiệp, lãnh đạo chiếu tướng, cô lập, gây khó dễ cho mình.

Sau hàng loạt vụ việc lãnh đạo trường học có biểu hiện: gian dối, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, độc đoán, chuyên quyền, gây mất đoàn kết, trù dập giáo viên đấu tranh gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thanh danh, sự phát triển và chất lượng giáo dục của nhà trường, của ngành, hội nghị thực hiện quy chế dân chủ tại trường học do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã được tổ chức tại Hà Nội (ngày 23/3). 

Tại đây, các đại biểu, các nhà quản lý giáo dục đã phân tích, đánh giá và đưa nhiều kiến nghị, giải pháp để khắc phục tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức diễn ra phổ biến ở các cơ sở giáo dục.

Tiếp nối vấn đề “nóng” này đang được dư luận quan tâm, tôi đề cập đến thực trạng, vai trò của Ban thanh tra nhân dân - một tổ chức, một công cụ có chức năng kiểm soát và phát huy dân chủ của nhà trường hiện nay.  

Cả nước ta có bao nhiêu đơn vị trường học thì có bấy nhiêu Ban thanh tra nhân dân (thường có 3 thành viên) do cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường đó bầu ra với nhiệm kỳ 2,5 năm.

Ban này nằm dưới sự chỉ đạo của tổ chức Công đoàn cơ sở để thực hiện chức năng giám sát, thanh kiểm tra mọi công việc, hoạt động của đơn vị.

Đặc biệt là giải quyết, xử lý, tham mưu, đề xuất những tranh chấp, kiện tụng, khiếu nại, về thu chi tài chính... liên quan đến nội bộ đơn vị mình.

Theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn thì giáo viên đảm trách Trưởng ban thanh tra nhân dân cũng thuộc diện được giảm tiết 3 dạy/tuần. 

Có thể nói, Ban thanh tra nhân dân trường học chính là tổ chức đại diện, bảo vệ và đấu tranh cho lợi ích của nhà nước, của đội ngũ giáo viên. 

Mọi hoạt động của nhà trường đều có sự hiện diện, giám sát của Ban thanh tra nhân dân.

Mặc dù Ban thanh tra nhân dân trường học nào cũng được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ; xây dựng quy chế, hoạt động giám sát hằng năm khá bài bản, chỉn chu về báo cáo, sổ sách nhưng khi làm việc tính thực chất, hiệu quả của bộ phận này còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, yếu kém. 

Phần lớn, Ban thanh tra nhân dân trường học chỉ tồn tại trên danh nghĩa, mang tính hình thức cho có đủ thành phần, ban bệ ở đơn vị mà thôi. 

Bao nhiêu việc bất ổn, phức tạp, trì trệ, yếu kém, tiêu cực, tham nhũng... phát sinh ở nhiều cơ sở giáo dục lâu nay, chắc chắn những người thuộc Ban thanh tra nhân dân (những người trong cuộc) biết rất rõ, tường tận hơn ai hết, nhưng nào có thấy giải quyết, xử lý, ngăn chặn được gì đâu.

Thực tế cho thấy, hàng loạt sai phạm, tiêu cực, tham nhũng… của một số lãnh đạo nhà trường được phát hiện, xử lý trong thời gian qua, đều do thanh tra, kiểm toán cấp trên phanh phui cả, thông qua đơn thư tố giác của công dân và phát hiện của báo chí. 

Tại sao thanh tra nhân dân lại bị tê liệt, không phát huy vai trò, trách nhiệm của mình? 

Theo chúng tôi, nguyên nhân chính là do những cán bộ, đảng viên được bầu lên làm thanh tra chưa đủ bản lĩnh cũng như năng lực, hiểu biết để đứng ra giải quyết, xử lý, đề xuất, tham mưu những tồn đọng, yếu kém, sai phạm của cán bộ, lãnh đạo nhà trường. 

Hầu hết các thầy cô giáo thuần túy về chuyên môn, xử lý về chuyên môn thì được, còn làm sao có đủ hiểu biết, nghiệp vụ để xử lý về các vấn đề khác như: tài chính, thu chi, sổ sách, chứng từ... 

Hơn nữa, nhiều Hiệu trưởng luôn biết cách “định hướng” tập thể Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên chọn lựa, bỏ phiếu cho những người thân tín, hiền lành, nói biết nghe vào Ban thanh tra. 

Mặt khác, những người thanh tra thường là giáo viên bình thường không có thân thế, vai vế gì nếu mạnh dạn phát hiện, kiến nghị những sai phạm, tiêu cực có liên quan đến quyền lợi của thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, thì liệu họ có bị lãnh đạo chiếu tướng, thậm chí trù dập, thù ghét không?

Chắc chắn, các vị lãnh đạo xấu tính sẽ không để yên cho những người thanh tra thẳng thắn, trung thực, dám "bới móc" chuyện xấu, chuyện tiêu cực của họ. 

Sự thật là nhiều người thanh tra cũng không tội gì làm cho nghiêm, cho đúng để anh em, đồng nghiệp, lãnh đạo chiếu tướng, cô lập, gây khó dễ cho mình, ảnh hưởng đến con đường tiến thân, cơm áo gia đình... 

Làm thanh tra cho đúng nghĩa, hết vai trò, trách nhiệm, nhất định là đụng chạm, mất lòng người nọ, người kia, nhất là lãnh đạo, nên mỗi khi bình bầu Ban thanh tra nhân dân, nhiều người tìm cách né tránh, thoái thác trách nhiệm. Còn bầu lên, hầu hết chỉ có danh mà không có thực. 

Đã đến lúc cần củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Chọn những đảng viên, giáo viên có uy tín, có trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung, dám bảo vệ cái đúng, người tốt, pháp luật của nhà nước, quy định của ngành và dám phê bình, đấu tranh những biểu hiện tiêu cực, sai phạm của cá nhân, tập thể.

Trong trường hợp, họ bị lãnh đạo trong cơ quan trù dập, thì cấp trên cần hết sức quan tâm, bảo vệ họ. 

Có thể giao thêm quyền hạn, trách nhiệm, tính độc lập trong công việc cũng như có thêm chế độ bồi dưỡng hơn nữa cho người làm thanh tra nhân dân. 

Củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban thanh tra nhân dân, cũng chính là góp phần làm minh bạch, trong sạch, phát huy quy chế dân chủ trong môi trường giáo dục, ngăn ngừa, giảm bớt những sai phạm, tiêu cực của lãnh đạo nhà trường đang có chiều hướng gia tăng. 

Một khi các tổ chức đoàn thể, chính trị, ban ngành trong nhà trường: Chi bộ đảng, Công đoàn cơ sở, Ban thanh tra nhân dân, Đoàn thanh niên, Hội đồng đồng trường… hoạt động còn yếu ớt, chỉ tồn tại trên danh nghĩa, hình thức hoặc bị khống chế, kìm tỏa thì chính nhà trường là mảnh đất màu mỡ để một số Hiệu trưởng tiếp tục lộng quyền, vi phạm pháp luật, chà đạp lên các giá trị của dân chủ đích thực.