(Dân trí) - Sau “Mùa hoa đỏ”, “Con đường xưa em đi” thì giờ đây, lại đến lượt 4 ca khúc nổi tiếng của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đó có bài hát “Nối vòng tay lớn” không được phép biểu diễn tại Huế… Điều gì đang xảy ra thế này và họ làm thế để làm gì?
Ca khúc “Con đường xưa em đi”, của hai tác giả, nhạc Châu Kỳ - lời Hồ Đình Phương được sáng tác năm đầu thập niên 60 tại miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, nó đã trở thành thân quen với nhiều thế hệ cả hai miền Nam Bắc. Bỗng dưng gần đây, tác phẩm nổi tiếng này nhận được hung tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD): Cấm!
Ngay lập tức, lệnh cấm nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và trở thành cao trào khi một nhà báo lên tiếng đồng tình với quan điểm của Cục NTBD. Đặc biệt là với những câu hỏi như “Con đường xưa em đi là con đường nào?”, “Chiến trường xưa là chiến trường nào?” …
Tất nhiên, ông không tránh khỏi bị phản ứng của dư luận còn Cục NTBD thì sau một thời gian dài im lặng đã giải thích lý do cấm là bởi bảo vệ bản quyền, trong lời bài hát có hai câu bị thay đổi.
Dư luận và truyền thông lại càng dậy sóng bởi việc thay đổi lời và cả nhạc trong một tác phẩm khi biểu diễn không phải là cái gì đó quá quan trọng mà nhiều khi, nó còn được coi như sự sáng tạo của ca sĩ.
Vả lại, nếu bị sai so với bản gốc thì nên dẫn bản gốc ra để sửa, sao phải cấm? Chả lẽ vì bị làm hàng giả mà cấm hàng thật? Thậm chí, có người còn đặt vấn đề bài thơ Thần của cụ Lý Thường Kiệt có tới 35 dị bản, vậy đâu là bản gốc? Hay là cũng… cấm?
Lúc này, gia đình Nhạc sĩ Châu Kỳ phải lên tiếng. Bằng thái độ ôn hòa, bà Kha Thị Đàng, phu nhân của nhạc sĩ Châu Kỳ kể rằng ca khúc này viết về tình yêu được nhạc sĩ Châu Kỳ viết nhạc trước, bạn ông là Nhà thơ Hồ Đình Phương viết lời sau.
Bà Đàng kể với phóng viên báo An ninh Thủ đô, quãng năm 2006-2007 trước khi qua đời, Nhạc sĩ Châu Kỳ đã cùng bà nghe lại và bàn với nhau chỉnh sửa lại lời ca khúc này bởi lẽ thời điểm khi ca khúc này ra đời là vào trước năm 1975 khi chiến tranh vẫn diễn ra, nếu một số chỗ vẫn giữ nguyên lời như bản gốc thì sẽ không phù hợp với thời bình.
Vì vậy, nhạc sĩ Châu Kỳ đã quyết định chỉnh lại một số chỗ cho phù hợp và rõ nghĩa. Cụ thể là câu “Chiến trường anh bước đi…” được sửa thành “Lối mòn anh bước đi…” và câu “Nơi đây phiên gác canh dài…” thành “Nơi đây thao thức canh dài…”.
Đến lúc này thì sự phản đối càng quyết liệt hơn không chỉ từ văn nghệ sĩ, dư luận mà cả một số chính khách cũng lên tiếng. Hình như để “xoa dịu”, “thoát hiểm”, Cục NTBD lên tiếng rằng bài hát có thể lưu hành nếu gia đình… có đơn!
Về quan điểm cá nhân, người viết bài này cho rằng khi thay đổi thể chế chính trị, có một số tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung sẽ bị cấm là điều đương nhiên bởi hoặc nó chống lại thể chế hiện hành, hoặc nó không phù hợp với đời sống xã hội hay quan niệm về thuần phong, mỹ tục hiện tại…
Tuy nhiên, việc “cấm” này không thể tùy tiện, đại khái bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tác giả mà còn cả cộng đồng, xã hội như lời của ĐB Dương Trung Quốc trả lời báo chí: “Tình cảnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật phải đi xin phép từng bài hát đã phản ánh mối quan hệ “xin - cho” ăn sâu vào chúng ta. Đằng sau sự “xin - cho” ấy sẽ dễ nảy sinh tiêu cực”.
Đối với ca khúc “Con đường xưa em đi”, có lẽ ý kiến của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khá thỏa đáng khi ông trao đổi với báo Tiền phong: “Mấy bài đó có sao đâu? Đừng thổi phồng quan điểm… Ngày xưa tôi cũng hát mãi mấy bài này”.
Đúng là “có sao đâu”, “đừng thổi phồng quan điểm” và “tôi cũng hát mãi bài này” thì tại sao lại cấm nhỉ? Càng khó hiểu hơn, khi chỉ còn ít ngày nữa, cả nước kỉ niệm 42 năm thống nhất đất nước, giang sơn về một mối.
Thế nhưng đã hơn 40 năm đi qua, dù hai miền thống nhất, song vì lý do này, lý do khác lòng người không phải nơi nào, lúc nào cũng hòa hợp, cũng “về một mối”. Đó là nỗi đau, là tổn thất chung của dân tộc Việt Nam.
Đó là chưa kể một thực tế, việc cấm đoán hiện nay không hề dễ bởi băng đĩa bán tràn lan và trên youtube cũng tràn ngập. Cho nên, trước khi đặt bút phê chuẩn việc cấm hay không, cũng nên xem xét khả năng mình có cấm được không bởi nếu chỉ ban hành rồi để đấy, luật sẽ nhờn.
Một điều rất quan trọng, là hơn 40 năm qua, Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam đã không ngừng nghỉ hàn gắn vết thương chiến tranh, hàn gắn vết thương trong lòng mỗi người. Thế nhưng, bao công sức để hướng tới tinh thần hòa hợp dân tộc có thể chỉ vì sự ấu trĩ này mà ảnh hưởng nghiêm trọng.
Và chợt nghĩ, làm quản lý nhà nước không chỉ phải có tâm, có tầm mà còn phải biết hợp lòng dân. Có lẽ đã đến lúc cần phải qui định cấm ban hành những văn bản phá hoại tinh thần hòa hợp dân tộc, phải không các bạn?