Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Điều tra hồ sơ Chủ tịch bị lọt: Phản ứng ngược?

LS Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao)

(Đất Việt) - Cần phải có cơ chế cho dân được biết, được kiểm tra thay vì phải đi moi móc, chờ lọt thông tin...

LS Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán TAND Tối cao bình luận về thông tin cá nhân Chủ tịch UBND Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ bị lọt ra ngoài.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là chủ trương đã được Đảng và Chính phủ đề ra từ nhiều năm qua, chủ trương đó cũng đang được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng đi vào cuộc sống...

Vì vậy, mọi nhiệm vụ quản lý của các cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, trật tự, cho tới kinh tế, an ninh quốc phòng... đều cần có sự tham gia trực tiếp của nhân dân. Được "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thì các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước cũng sẽ khắc phục được tệ quan liêu, tham nhũng và đề cao trách nhiệm trước nhân dân hơn.

Tuy nhiên, nhìn từ vụ việc tại Đà Nẵng chúng ta mới thấy hết những khó khăn, phức tạp của một chủ trương khi đưa vào thực tiễn, đưa vào cuộc sống cũng như những lúng túng, loanh quanh trong chỉ đạo xử lý.

Đầu tiên, là có thông tin về tài sản kê khai và hồ sơ sơ yếu lý lịch của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị rò rỉ, bị tung lên các trang mạng xã hội, một vài tài khoản cá nhân cũng bắt đầu tham gia bàn tán, bình luận về khối tài sản như bao nhiêu lô đất, bao nhiêu cái nhà, bao nhiêu cổ phần đã được góp vốn vào những doanh nghiệp nào...

Khi thông tin bị lộ ra rồi, lại tiếp tục có những ì xèo, nhiều câu hỏi về nguồn gốc, tính minh của khối tài sản đó cũng được đặt ra. Một số luồng dư luận, một số cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao, thậm chí có cả ý kiến yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải sớm xác minh, làm rõ để có câu trả lời công khai, minh bạch trước dân.

Họ băn khoăn cũng là đúng thôi. Một người cán bộ do dân bầu, được dân bầu, là công bộc cho dân mà kê khai tài sản dân lại không biết thì làm sao dân kiểm tra, giám sát được. Đáng lý ra, tài sản của lãnh đạo thay vì để dân phải đi tìm thì bản thân cán bộ, lãnh đạo cũng nên chủ động công khai toàn bộ ra mới phải. Cứ để dân phải tự đi tìm, tự đưa lên như thế này vốn đã là sai cơ bản về nguyên tắc quản lý cán bộ rồi chứ chưa nói lại sai tiếp về mặt chủ trương, chỉ đạo "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Đáng buồn là, thay vì có phản ứng xuôi, Đà Nẵng lại phản ứng ngược. Ngay tại buổi họp báo chiều 27/3, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã tuyên bố: Hồ sơ kê khai tài sản của Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ là tài liệu mật và đã giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, tìm hiểu để làm rõ nguyên nhân vì sao một hồ sơ quan trọng như thế lại bị lọt ra ngoài.

Sao lại có việc lạ lùng thế? Hồ sơ kê khai tài sản của lãnh đạo tự nhiên bị coi là "bí mật", nên dân mới phải đi tìm để biết và để kiểm tra. Nhưng vừa mới biết một chút thông tin lại lập tức bị truy tìm nguyên nhân để lọt, để lộ... thì không ổn rồi, kỳ cục quá.

Ở đây có hai vấn đề phải được tách bạch rất rõ ràng, đó là kiểm tra để có thông tin rõ ràng, minh bạch về khối tài sản của lãnh đạo và kiểm tra để xem thông tin bị lọt ra ngoài là vì động cơ gì, mục đích gì? Nếu xác định động cơ không trong sáng thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xử lý người để lọt thông tin không đồng nghĩa với việc sẽ không kiểm tra, không minh bạch thông tin. Yêu cầu minh bạch thông tin chính là nhiệm vụ phải được ưu tiên hàng đầu trong lúc này.

Mặc dù Đà Nẵng cũng khẳng định việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của ông Huỳnh Đức Thơ là theo đúng quy định. Nhưng câu trả lời đó vẫn chưa thể thỏa mãn được những thắc mắc, băn khoăn của dư luận. 

Việc đúng đắn nhất Đà Nẵng cần làm là nhanh chóng công bố công khai trước công luận. Làm như vậy, Đà Nẵng sẽ nhận được sự đồng thuận từ dư luận nhiều hơn là chỉ đạo tìm nguyên nhân để lộ "tin mật".