VOA - Mới đây cư dân mạng và báo chí có dịp nhốn nháo khi một sinh viên năm thứ hai khoa Luật dân sự khóa 40, vừa bị Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ một năm học vì mang tám cuốn giáo trình photo vào trường. Từ câu chuyện liên quan đến bản quyền sách này, lại thấy những quy định và cách ứng xử trước các vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất là cách ứng xử với tài sản trí tuệ của mọi người, trong đó có giới trí thức. Rõ ràng, khi Việt Nam hội nhập càng sâu rộng thì vấn đề sở hữu trí tuệ càng trở nên quan trọng. Trên thế giới, các quy định về sở hữu trí tuệ rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, ngay cả chuyện về bản quyền sách là một ví dụ điển hình. Việc photo nguyên một quyển sách tại nhiều quốc gia hiện là điều cấm. Ngay cả việc scan tài liệu bản quyền, với nhiều trường đại học cũng chỉ tách thành từng chương chứ không gộp chung thành một bản đầy đủ. Sinh viên các trường đại học tại các nước châu Âu và Mỹ khi vào trường được dạy rất kỹ về các quy định về bản quyền, trong khi thầy cô luôn làm gương mẫu cho các sinh viên trong việc tôn trọng quyền tác giả.
Nói một cách khách quan, hành vi photo nguyên quyển, và photo hàng loạt sách có liên quan đến vấn đề bản quyền, dù không đáng bị xử phạt đình chỉ học tập, thì qua trường hợp lần này, cũng là hành vi sai quấy và cần được điều chỉnh bằng việc giáo dục định hướng, hoặc áp dụng các mức phạt tài chính, ví dụ phải nộp cho cơ quan chủ quản bản quyền sách một số tiền phạt nhất định. Thường thì ở châu Âu số tiền phạt có khi gấp vài lần đến hàng chục lần giá trị quyển sách mới. Đó là cách đưa ý thức tự giác tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đến với người dân nói chung và các em học sinh, sinh viên nói riêng.
Thứ hai là cách ứng xử của nhà trường về vấn đề bản quyền. Dù sau khi dư luận và giới luật sư lên tiếng gây áp lực mạnh, Hiệu trưởng Đại học Luật đã cân nhắc khả năng có thể giảm kỷ luật cho em sinh viên vì không có tiền mua sách phải photo, tuy nhiên ngay cách ra quyết định của trường cũng là không chuẩn mực. Là trường đại học về luật, lẽ ra trường này phải biết lý giải câu chuyện một theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nghĩa là chỉ ra quy trình và hình thức kỷ luật là hợp lý; chứ không phải chỉ áp đặt các quy định của nhà trường còn gây tranh cãi để áp đảo sinh viên vi phạm. Trả lời báo chí, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, nói với báo chí rằng đáng lẽ với vi phạm này là buộc thôi học nhưng trường đã xem xét mới giảm xuống còn đình chỉ một năm. Chẳng có một trường luật nào giải quyết một vụ vi phạm bản quyền sách đơn giản thành một vụ ồn ào, cưỡng tình đoạt lý như vậy. Lẽ ra bà Quỳ phải chỉ ra tám quyển sách được photo thuộc quyền quản lý trí tuệ của ai? Có phải của riêng trường đại học này hay không? Việc photo như vậy gây tác hại hay hậu quả như thế nào? Từ đó mới chiếu theo các quy định mà xử.
Cần nhớ rằng không phải trường đại học nào cũng có quyền cấm sinh viên photo sách để học, mà chỉ có người quản lý bản quyền sách mới được phép. Cứ thấy sách photo mà phạt, thì phạt vậy là sai. Giả sử người quản lý bản quyền sách cho phép sinh viên photo 1 quyển để học thì dù trường đại học luật có dùng giáo trình đó để dạy, thì cũng không thể cấm sinh viên photo một bản để học thay vì mua sách gốc.
Ngoài ra, xét về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, thì việc đình chỉ học tập một năm càng sai. Nhìn vào quy định của Bộ Giáo dục Việt Nam, có ghi rất rõ rằng đình chỉ học tập có thời hạn chỉ được áp dụng trong ba trường hợp: a) đang bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm; b) vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; c) vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Trường hợp em sinh viên photo sách bị bắt lần đầu, dù có tám quyển nhưng là những quyển khác nhau, không có dấu hiệu kinh doanh mua bán gây tổn thất nghiêm trọng đến người nắm quyền xuất bản... thì hà cớ gì lại đình chỉ học. Việc đình chỉ một cách máy móc và có dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ Giáo dục buộc dư luận phải đặt ra những nghi vấn về khả năng “giết gà dọa khỉ” mở đường cho khả năng thương mại sách vở giáo trình của trường.
Một vấn đề quan trọng không kém là cách ứng xử của sinh viên khi bị trường học xử lý kỷ luật. Tôi quan sát thấy, khả năng phản ứng của sinh viên Việt Nam trước các quyết định kỷ luật của trường học là khá thấp. Không biết có phải là các em chịu sự quản thúc từ nhỏ, có em bị thầy cô cho ăn roi cũng cắn răn chịu đau, đâm ra cứ nghe kỷ luật là sợ hãi mà quên cách tự vệ chính đáng hay không. Ở nước ngoài, khi nhận được một thư phạt hay thư đòi bồi thường về bản quyền phim ảnh, sách vở, sinh viên có quyền khiếu nại ngược lại nếu thấy mình oan ức hay bị phạt quá mức quy định. Mở rộng ra thái độ này, việc sinh viên không chấp thuận và khiếu nại một quyết định kỹ luật không chính đáng với mình là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ngoài việc nhận lỗi và để dư luận lên tiếng bảo vệ, em sinh viên trường luật lại không dám (chứ không phải là không biết) lên tiếng để tự bảo vệ. Phải chăng sau em đang có một nỗi sợ vô hình?
Tựu trung, người dân cần được giáo dục chu đáo hơn về ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ, trong khi bên thực thi quy định xử phạt phải tỉnh táo và công tâm suy xét. Tránh để những trường hợp vừa không hợp lý, vừa chẳng hợp tình như trường hợp của trường Đại học Luật với một em sinh viên nghèo khó.