VNN - Hình ảnh những cầu thủ Long An đồng loạt biến mình thành những ma - nơ- canh bất động ở sân cỏ V.League và những ngóc ngách hậu trường phía sau khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có phải sân cỏ đang phản ánh chính xác dòng chảy cuộc sống này?
1. Lý do khiến những cầu thủ bằng da bằng thịt chủ động ma - nơ – canh hoá bản thân là vì họ tin chắc ông trọng tài đã bắt ép mình, mà nó như ông chủ tịch (đã từ nhiệm) của Long An là "trọng tài muốn chúng tôi thua thì chúng tôi đứng lại cho người ta đá". Có thật, ông trọng tài bắt ép?
Ngay cả giới chuyên môn cũng đưa ra những câu trả lời rất khác nhau. Nhưng bỏ qua chuyện đúng - sai của ông trọng tài, điều đáng nói ở đây là: một khi thấy bất công, tại sao lãnh đạo, HLV, cầu thủ Long An không đợi khi trận đấu kết thúc để đưa mọi chuyện lên công đường VFF, mà lại chọn cách phản ứng tuỳ tiện, xấu xa như vậy? Nó không khác gì chuyện hai bà hàng xóm tranh nhau cái ngõ (giả dụ thế), nhưng quyết không đưa vụ việc lên phường, mà lại tự giải quyết với nhau bằng vỗ mồm, thậm chí là cả võ chân tay. Tại sao vậy?
Tại ở mặt thứ nhất của vấn đề, cái tinh thần bất tuân luật pháp vốn ăn sâu vào máu không ít cầu thủ Việt. Tuy giải đấu chưa danh giá, tuy nền bóng đá còn là vùng trũng, sự vươn lên hay sự tình cảm của người xem thường khó đặt vào các pha bóng đỉnh cao, hay những trận đấu kinh điển thì có lẽ những hành vi cao thượng, những cử chỉ đẹp hay tinh thần quân tử, tuân thủ luật lệ là những điều dễ ghi dấu trong lòng người hâm mộ.
Tiếc thay, điều nay lại chưa thấy. Mà xét cho cùng, thể thao cũng chỉ là một cuộc chơi dù ở bất kỳ nơi nào, giải đấu nào.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nơi mà phép vua không thể thua lệ làng (bởi nếu thua thì loạn to), nơi mà một xã hội pháp quyền được tất thảy các quốc gia đề cao, nhấn mạnh thì những rơi rớt của cái truyền thống "bất tuân luật pháp" lại tạo ra hàng loạt những bi kịch mới của sự phát triển. Nhiều khi, khi người ta không nói chuyện, không ứng xử với nhau bằng luật - một thứ luật công khai và liêm chính, mà lại ứng xử với nhau bằng "luật rừng" hoặc "luật bôi trơn" thì đấy là lúc công lý bị tiêu diệt.
Thành thử, tất cả những biểu hiện phi luật, những kiểu phản ứng tự nhiên chủ nghĩa theo cách tự biến mình thành những con ma - nơ – canh của các cầu thủ Long An trên sân bóng và những "hình tượng Long An" ngoài sân bóng đều cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Vì chỉ có như thế, giá trị cùng sự tôn nghiêm của luật lệ mới được bảo vệ đến cùng.
2. Tuy nhiên, như đã nói, đấy mới chỉ là mặt thứ nhất của vấn đề, ở mặt thứ hai, mặt quan trọng nhất, người ta lại phải đặt ra câu hỏi: Nếu một đội bóng nghèo, không tham gia bất cứ nhóm lợi ích nào như Long An tìm đến công đường VFF thì họ có được đối xử một cách công bằng, tử tế hay không?
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam không ai không biết cách đây chưa lâu, khi cầu thủ Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội phạm lỗi thô bạo với cầu thủ Châu Ngọc Quang của Hoàng Anh Gia Lai thì cả một vòng tròn xử án từ Ban trọng tài, Ban tổ chức giải đến Ban Kỷ luật đều nhất nhất bảo: "Hoàng Vũ Samson chỉ liều lĩnh, chứ không bạo lực", nên không phải chịu bất cứ hình thức xử phạt nào. Phải mãi sau đó, khi dư luận phẫn nộ tột bậc, khi các quan chức cấp cao của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch vào cuộc thì cái "vòng tròn xử án" này mới bị xé ra, và Hoàng Vũ Samson mới bị "treo" 2 trận.
Như thế có nghĩa, cái gọi là "quan toà VPF" hay "công đường VFF" cũng từng có những lúc biến đen thành trắng, biến đêm thành ngày, và người ta nghi ngờ rằng cách bóp vụn công lý ấy là để phục vụ một nhóm lợi ích - một nhóm quyền lực nào đó. Phải chăng, những CLB thấp cổ bé họng biết rõ điều này, luôn bị ám ảnh bởi điều này, nên khi bị đẩy tới cảnh cùng đường thì họ đã chấp nhận phản ứng một cách tuỳ tiện, chứ không chọn "công đường VFF" làm nơi phán xử cho mình nữa?
Bản chân sâu xa của vấn đề là cả một guồng quay, một kết cấu đã có quá nhiều biểu hiện không minh bạch, từ đó khiến cho những thần dân của guồng quay ấy, kết cấu ấy chán nản, vỡ vụn niềm tin. Và như thế, việc trừng phạt những kẻ phản ứng tuỳ tiện, bất chấp luật lệ là đúng nhưng chưa đủ, càng chưa phải là liều thuốc hữu hiệu chữa căn nguyên, gốc gác của vấn đề. Điều quan trọng là phải xây dựng lại guồng quay, thiết lập lại kết cấu mà ở đó các kênh giám sát phải thực chất và những vận động nội tại phải hoàn toàn minh bạch.
3. Từ cái màn bi hài kịch trên sân bóng kia, cũng cần phải đề cập tới một khía cạnh: khi các cầu thủ Long An đã chủ động đứng im không đá, cầu thủ TP.HCM có cần phải ăn thêm bàn thứ 4, thứ 5 không? Xét về luật (vẫn phải bắt đầu từ câu chuyện luật), ăn 4,5 quả, chứ ăn thêm 40, 50 quả trong trường hợp đó vẫn không sai, mà một khi đã không sai thì không thể phê phán.
Nhưng nhiều người bày tỏ ước ao - xin nhấn mạnh, chỉ là câu chuyện của ước ao: giả như khi ấy, cầu thủ TP.HCM cũng không sút bóng vào cái mành lưới đã được mở toang kia thì giá trị hình ảnh của họ đã hiện lên đẹp hơn, sáng hơn, quân tử hơn nhiều lắm!
Đã đụng tới khái niệm quân tử thì lại phải đi xa hơn: cái gì sinh ra đạo lý người quân tử? Ở một thời đại mà sách Thánh hiền chỉ còn là những món đồ thi thoảng được bày trong triển lãm hay những buổi hội hè chữ nghĩa mang nặng tính phong trào, ở một cuộc chơi mà con người ta sẵn sàng giành chiến thắng bằng mọi giá và hạ gục đối thủ trong mọi hoàn cảnh để kiếm lợi cho mình thì những đòi hỏi về đạo lý người quân tử thực sự là những đòi hỏi viển vông.
Thật ra ở đâu đó trên thế giới bóng đá này, người ta vẫn thấy những cách ứng xử mang dáng dấp quân tử ấy. Như khi Robbie Fowler (Anh) tiến về phía trọng tài - người vừa cho đội mình được hưởng quả 11m và nói: "Quả 11m này sai rồi, thủ môn đối phương không phạm lỗi với tôi đâu", như khi Paolo Di Canio (Italia) nhận một đường bóng trống trải trước khung thành đối phương, hoàn toàn có thể khống chế, ghi bàn nhưng vẫn chủ động ôm bóng để trọng tài dừng trận đấu vì phát hiện thấy thủ thành đối phương đang nằm sân đau đớn.
Nhưng những khoảnh khắc quân tử kiểu như của Robbie Fowler hay Paolo Di Canio là những khoảnh khắc mà cá nhân tôi chưa bao giờ thấy ở nền bóng đá của mình, trong cái khí quyển sân cỏ và khí quyển xã hội mình. Ít nhất cho đến lúc này.