Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Cuộc gọi đầu năm

Lê Minh Nhựt

(TBKTSG) - Sáng mùng 1, điện thoại réo vang, màn hình nhấp nháy số máy lạ. Cuộc rượu tiễn năm cũ vẫn còn lởn vởn ngầy ngật trong đầu, ráng gượng bấm máy alo. “Rảnh hông? Chạy xuống nhà cậu chơi đi, chỗ đình ông Bổn quẹo trái đó, nhanh nhanh nghen! À quên, cậu Tám nè. Mới mua điện thoại, cùi bắp thôi nhưng được cái... để quên không ai thèm lấy”. Nói xong, đầu dây bên kia bấm ngắt. Gọi lại thì nghe ò í e. Mới mua điện thoại chắc cậu bấm ngắt máy lại đè phím lâu quá, thành ra tắt nguồn!

Ai kêu réo thì còn dền dứ được, chớ cậu Tám thì tôi phải mau mắn thực hiện theo “chỉ dẫn”. Không phải chỉ bởi là cậu ruột mà còn vì tôi từng ở nhà cậu suốt những năm học cấp hai để khỏi phải vượt hơn chục cây số từ nhà tới trường vào mùa mưa gió lê thê, đường sá sình lầy trơn tuột. Từ khi đi làm, rồi cưới vợ sinh con, bị cuốn vào vòng cơm áo gạo tiền cho tới giờ, khi nhớ ra, dám có gần chục năm tôi chưa lần nào trở về thăm cậu mợ. Cũng có khi gọi điện hỏi thăm nhưng lại luôn nhằm lúc cậu mợ vắng nhà. Nhà cậu trước giờ chỉ có điện thoại bàn, nên việc cậu vừa gọi cho thằng cháu bằng di động đã là một sự kiện đáng nhớ ngay đầu năm mới!

Con đường từ nhà cậu tới trường vốn gần bờ sông, khi trước, có một đoạn dài chỉ được rải đất nung. Đoạn rải đất nung ấy, vắt qua phía sau một ngôi nhà nuôi một bầy ngỗng hơn chục con. Sở thích của chúng là kêu rùm trời mỗi khi có người lạ đi qua và vươn cổ khua mỏ vào đám học trò lúp xúp đội mưa khi tan học về. Bầy ngỗng tuy đông nhưng không đáng sợ, bằng chứng là tôi từng lừa tụi nó để chộp được cổ của con đầu đàn quay cho mấy vòng, lần sau vừa thấy tôi ở đằng xa là nó chỉ dám vươn cổ hò hét. Sợ nhất là con vịt xiêm cồ ở nhà kế đó. Cứ đúng giờ tôi tan học đi ngang là nó bất thần lao ra từ bụi rậm, nhè ngay bắp vế non mà gắp. Tụi học trò đặt cho nó là “Xiêm cồ điên”. Hình như nhà đó chỉ nuôi có mỗi mình con vịt xiêm cồ, không có ai bầu bạn, nó điên vì cô đơn nên cũng dễ thông cảm. Mà, cũng có khi, cú gắp đau điếng là cách làm quen đặc biệt của nó, chỉ là kẹp hơi “mạnh mỏ” mà thôi!

Bao năm qua đường tới nhà cậu cảnh vật vẫn y vậy, cũng vẫn những trại xuồng khít vách, mùi dăm bào của đủ các loại gỗ vẫn dày đặc. Tôi có nhỏ bạn học chung, nhà nó ở đâu đó quãng trại xuồng này. Mỗi sáng đến lớp, nó đều bị bạn bè túm tụm lại hít hít áo xống rồi ghẹo: xức dầu thơm trại xuồng! Vì nó ở xóm trại xuồng nên quần áo lúc nào cũng phảng phất mùi dầu chai trét xuồng. Thỉnh thoảng đứa ngồi đằng sau còn gỡ được vụn dăm bào dính trên tóc nó, mùi gỗ còn mới nguyên và thơm tho kỳ lạ.

Đường từ nhà cậu tới trường chỉ hơn hai cây số chút ít nhưng mỗi buổi trưa tan học, có khi tôi lang thang gần xế mới về tới nhà. Lý do là hai cây số ấy có một thứ đặc biệt hấp dẫn, đối với hết thảy tụi nhỏ đi về trên con đường này. Đó là “trạm” của bà bán món vịt chiên ở gần trại xuồng. Khi tan học về tới cũng là lúc bà đem bếp dầu ra nhóm lửa, đặt lên trên đó cái chảo rồi đổ mỡ, khi mỡ sôi bà lần lượt bỏ cánh đầu giò, đùi, ức được tẩm ướp sẵn. Tôi thích đứng coi cho bằng hết các công đoạn hấp dẫn thơm phức ấy và cuối cùng chỉ mua miếng huyết nếp chiên giá năm trăm đồng. Cầm miếng huyết chiên bọc lại bằng mảnh lá chuối để dầu mỡ khỏi dính tay, vừa ăn vừa đi, dè sẻn lắm thì cũng tới chỗ cái đình ông Bổn là sạch sẽ. Biết làm sao được, tiền đi học chỉ có hai ngàn đồng, một ngàn mua xôi ăn sáng, thêm ly trà đá năm trăm đồng, nhín được năm trăm đồng còn lại để mua miếng huyết nếp chiên vào buổi trưa là cả một kỳ công.

Quãng đường ấy, ngang qua chỗ nào cũng đầy ắp những kỷ niệm dễ thương thời con nít, “tụi nó” cứ nhoài ra bấu riết lấy người quen cũ.

Đoạn đường về nhà cậu không xa lắm nhưng vì chỗ nào cũng muốn dừng lại một chút để nhìn ngắm, hít hà thành ra mãi đến trưa trật, thằng cháu mới mon men đến chỗ đình ông Bổn. Chốc chốc, người mới sắm điện thoại đã không còn kiên nhẫn, lại gọi liên tục để cằn nhằn: “Tới chưa con, nhà cậu trước giờ có dời đi đâu. Hay là bây chê xa xôi nên không muốn tới?”.

Trách vậy tội nghiệp con cậu ơi, đúng là nhà cậu trước giờ vẫn ở chỗ cũ nhưng có điều, thằng cháu mỗi ngày thì mỗi một xa. Trên đường nó đi, có hằng hà những điều cám dỗ và đầy rẫy những hứa hẹn đang đợi ở phía xa tưởng như chỉ cần cố thêm chút nữa là chạm được. Mà, đứa trẻ nào lớn lên chẳng vậy, chúng sẽ đi cho đến khi gối mỏi chân chồn...