Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Lo ngại tác động của lợi ích nhóm với báo chí

MỸ HẰNG

LĐO - Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 18.1, đã ghi nhận những thành tựu của báo chí và việc quản lý báo chí trong năm qua, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra sự xuống cấp đạo đức, trình độ chuyên môn của nhà báo, tác động của doanh nghiệp với báo chí cùng nhiều thách thức khác mà báo chí đang đối mặt.

Nhiều thành tựu của báo chí

Nhìn lại thành tựu của báo chí trong năm qua, ông Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền Đại hội Đảng lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và các sự kiện có ý nghĩa khác, gắn với thành tựu đất nước trong 30 năm đổi mới, đấu tranh phản biện luận điệu sai trái, đấu tranh phòng, chống tiêu cực…

Năm 2016 đánh dấu bước tích cực về chỉ đạo, định hướng quản lý báo chí. Cơ quan chỉ đạo định hướng thể hiện rõ quyết tâm đổi mới tư duy, phương thức làm việc, thái độ tinh thần. Thực hiện đổi mới trong nắm bắt thông tin, phân tích xử lý thông tin… Qua đó ý thức chấp hành, nâng cao hiệu quả thông tin của các cơ quan báo chí tốt hơn.

Năm qua đã có tiến bộ bước đầu trong kiên quyết xử lý sai phạm của báo chí. “Việc xử lý sai phạm thời gian qua không ai muốn, đó là sự đau lòng, nhưng là sự đau lòng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông, khắc phục hậu quả sự dễ dãi trong quản lý kéo dài” - ông Thưởng nói.

Báo động đạo đức nhà báo

Vấn đề đạo đức báo chí được đề cao tại hội nghị, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý không ít trường hợp báo chí thông tin sai sự thật, phương hại lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân, khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng buông lỏng hoặc bỏ qua thẩm định nguồn tin, vi phạm về thuần phong mỹ tục, vi phạm quảng cáo, bản quyền… Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm sơ hở, hạn chế của tổ chức doanh nghiệp để gây áp lực với động cơ không lành mạnh, dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi.

“Trong năm qua, chúng ta đau lòng chứng kiến một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp đưa thông tin sai phạm ảnh hưởng đến quốc gia, ảnh hưởng uy tín tổ chức, cá nhân…” - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói.

Ông cũng thẳng thắn chỉ ra sự tác động sâu của doanh nghiệp, lợi ích nhóm đang làm ảnh hưởng đến báo chí cách mạng. Ông cảnh báo: “Chúng ta nói vụ nước mắm là điển hình, nhưng vụ này chỉ là nhỏ, nhiều vụ ghê gớm hơn nhiều nhưng không đủ bằng chứng xử lý. Điều này khiến các cơ quan báo chí phải rà soát lại đội ngũ của mình”.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu cần nhìn thẳng vào sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái đạo đức lối sống trong đội ngũ làm báo.

Định hướng công tác báo chí trong năm 2017, ông Thưởng lưu ý việc thông tin và cơ chế phản hồi thông tin của báo chí cần làm thế nào cho tốt. Trong năm qua có nhiều vấn đề báo chí nêu ra nhưng chưa được trả lời, là món nợ với báo chí. Ông lấy ví dụ, vụ nước mắm, báo chí đã bị xử phạt xong rồi, vậy Hội Bảo vệ người tiêu dùng xử ra sao, Chính phủ giao Bộ Công an điều tra ai đứng sau vụ này, kết quả ra sao, cần phải được tiếp tục làm rõ.

Trong công tác quản lý, năm 2017 cần tiếp tục làm tốt và cần lưu tâm 3 vấn đề: Vấn đề quy hoạch báo chí cố gắng làm sớm. Thứ hai, cần rà soát lại để xem xét xử lý đầy đủ, thỏa đáng vấn đề các trang tin điện tử và báo điện tử theo đúng quy định, việc “bán” tên, bán nội dung bản chất là gì.

Ngoài ra, ông Võ Văn Thưởng lưu ý vấn đề kinh tế báo chí, kinh tế truyền thông. “Quảng cáo trên báo chí truyền thông là thị trường vài trăm triệu USD chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng thị trường này bị nhiều công ty nước ngoài dẫn dắt, chi phối, hưởng lợi, công ty trong nước hưởng lợi không bao nhiêu. Đây là vấn đề ta cần nghĩ đến” - ông nói.

Báo chí cần giữ được lòng tin

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc xử lý các vi phạm báo chí năm qua chỉ mang tính sự cố chứ không phải thường xuyên. Phó Thủ tướng lưu ý những thách thức khi các cơ quan báo chí phải đấu tranh với việc tự chủ tài chính, thay đổi công nghệ, tốc độ thông tin cạnh tranh nhau từng phút. Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, song mới chỉ là cung cấp thông tin về những chủ trương đã ban hành, nhưng việc vận động chính sách làm chưa tốt.

Phó Thủ tướng mong báo chí đồng hành với Chính phủ để giúp toàn dân hiểu và thực hiện tốt các chủ trương chính sách Chính phủ đề ra.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng báo chí cần giúp các bộ, ngành, Chính phủ phải thích ứng với sự thay đổi thông tin, đặc biệt tăng kỹ năng xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông, nhất là trước sự lan tỏa của mạng xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý việc tạo môi trường để báo chí phát triển lành mạnh, môi trường không chỉ cho báo chí mà cho toàn bộ vấn đề văn hóa xã hội, làm sao tăng cường bảo vệ bản quyền hợp pháp của các báo, lợi ích và quyền hợp pháp của từng nhà báo, làm sao vấn đề danh dự, đạo đức nhà báo được đề cao, tôn vinh. Trên mạng xã hội, một lực lượng lớn Facebooker là nhà báo, và tiếng nói họ có trọng lượng hơn nhiều người khác. Phải tăng cường trao đổi cung cấp thông tin giữa cơ quan nhà nước với báo giới.

“Tôi thật sự mong báo chí nước nhà luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, xã hội, của nhân dân. Khi báo chí chính thức lên tiếng mà có lòng tin, thì mọi nguồn tin không chính thức, sai lệch sẽ dần dần mất đi sự ảnh hưởng của họ”.