Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Không có dân chủ, sẽ không chọn được người tài đức!

Nguyễn Hoàng

(Dân trí) - Dân chủ trước hết phải biết tôn trọng nhau. Anh tôn trọng tôi, tôi tôn trọng anh và cao hơn nữa, là tôn trọng quyền của mỗi con người. Dân chủ là phải biết lắng nghe những ý kiến khác nhau và quan trọng hơn, “Dân chủ tức là không áp đặt người khác, coi mình là chân lý tuyệt đối”.

“Bản thân Bác lại là người thực hành gương mẫu trong suốt cả cuộc đời mình, cho nên tại sao Bác lựa chọn được đội ngũ cán bộ thời ấy đủ đức, đủ tài, có tín nhiệm đối với dân như vậy”.

Đó là trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Chí Bảo, một người nhiều năm nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn cán bộ đăng trên báo Điện tử Đảng Cộng sản ngày 13/1/2016.

Theo GS Bảo, những bài học dùng người của Bác vẫn còn nguyên giá trị mà Đảng rất cần phải vận dụng, tham khảo trong điều kiện mới hiện nay.

Trả lời cụ thể về những vấn đề cần vận dụng, tham khảo trong cách dùng người của Hồ Chủ tịch, GS Bảo cho biết trước hết là phải chọn người tài đức mà đức là gốc, mà đức ở đây là đạo đức để hành động chứ không phải là đạo đức của lời nói.

Theo GS Bảo, đức phải là “một con người hành động nói ít, làm nhiều, giữ được lời hứa, chữ tín; đã nói thì phải làm, lời nói, việc làm đi đôi với nhau. Ngay cả lời hứa thì quyết tâm hứa và thực hiện bằng được”.

Vâng, đây là những điều rất cần cho hôm nay bởi hiện nay, tình trạng theo dân gian là “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa” không phải là hiếm. Tình trạng thất tín, nói lời nhưng không giữ lời… cũng không còn là cá biệt. Thậm chí, dối trá ngay cả với chính mình khi “trong hội trường nói khác, ngoài cầu thang nói khác”. Rồi “nói không đi đôi với làm”, thậm chí nói một đằng, làm một nẻo, trên bục thì sang sảng nói lời hay ý đẹp, nào làm tấm gương, nào là đạo đức nhưng trong cuộc sống thì tha hóa, đồi trụy, tham lam… cũng không hề ít.

Một câu chuyện “vui” rằng một hôm đến bữa, thấy người chồng dán mắt vào ti vi, người vợ hỏi: “Anh xem gì mà chăm chú thế?”. “Anh đang nghe nói về chống tham nhũng, hay lắm”. Người chồng nói. Gọi mãi không được, chị vợ bèn ghé mắt vào tivi, ngán ngẩm bảo: “Ui giời, tưởng gì. Bác này hồi chiều vừa cầm phong bì của em”.

Có thể đây chỉ là chuyện phiếm nơi trà dư, tửu hậu nhưng không phải không đáng để suy nghĩ bởi đã từng có những cán bộ cấp cao, đứng đầu một cơ quan chống tham nhũng là Thanh tra Chính phủ (ông Trần Văn Truyền) hay một vị đứng đầu một thành phố lớn như Bí thư Thừa Thiên – Huế (ông Hồ Xuân Mãn) từng bị kỉ luật.

Điều thứ hai, GS Bảo đề cập đến là việc học tập Hồ Chủ tịch trong chọn và sử dụng người tài. Muốn chọn được đúng người tài, GS Bảo đã đưa ra một khái niệm rất mới, đó là “nhân cách dân chủ”. “Muốn dùng được người đúng, chọn đúng người, đúng tài, tức là đặt đúng người, đúng chỗ thì phải có nhân cách dân chủ. Dân chủ sẽ tạo ra cho chúng ta việc tìm đúng người cần đến. Dân chủ tức là tôn trọng giá trị con người. Dân chủ tức là lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau. Dân chủ tức là không áp đặt người khác, coi mình là chân lý tuyệt đối”. Ông Bảo nói.

Thực tình, người viết bài này không hiểu “nhân cách dân chủ” nghĩa là thế nào nhưng những lời giải thích sau đó thì rất tâm đắc bởi đó là những tư duy tiến bộ. Đúng là chỉ có dân chủ mới tìm đúng người tài và ngược lại, cũng chỉ có dân chủ mới loại bỏ được những người yếu kém. Đây chính là “chìa khóa vàng” trong việc tinh giản biên chế hiện nay bởi không có dân chủ thì không có cạnh tranh để sàng lọc ai là người hoàn thành nhiệm vụ, ai không hay ai tốt, ai xấu…

Song, thế nào là dân chủ? Theo GS Bảo, “Dân chủ tức là tôn trọng giá trị con người. Dân chủ tức là lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau. Dân chủ tức là không áp đặt người khác, coi mình là chân lý tuyệt đối”.

Quá đúng bởi dân chủ trước hết phải biết tôn trọng nhau. Anh tôn trọng tôi, tôi tôn trọng anh và cao hơn nữa, là tôn trọng quyền của mỗi con người. Dân chủ là phải biết lắng nghe những ý kiến khác nhau và quan trọng hơn, “Dân chủ tức là không áp đặt người khác, coi mình là chân lý tuyệt đối”.

Vâng, một khi đã cho mình là duy nhất đúng thì làm gì có dân chủ và tránh sao khỏi áp đặt?

Qua những phân tích của GS Hoàng Chí Bảo, càng khâm phục phương pháp tìm chọn và sử dụng nhân tài của Hồ Chủ tịch, nhất là tinh thần dân chủ bởi vẫn như lời GS Bảo, “Thái độ dân chủ giúp cho trong Đảng, trong dân cùng nhau thảo luận, tìm tòi chân lý và tìm được sản phẩm chúng ta đang cần nhất, tức là những người có tài, có đức để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân hiện nay”.

Không có dân chủ, sẽ không chọn được người tài đức, phải không các bạn?