Dân Trí - Nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng và kinh tế dậm chân tại chỗ, chính phủ Phần Lan đang muốn thay thế hệ thống phúc lợi hiện tại bằng một cơ chế đơn giản hơn đó là trợ cấp 800 Euro (870 USD)/tháng cho mọi công dân trưởng thành của Phần Lan, không phân biệt người thất nghiệp hay người đang đi làm.
Đây là ý tưởng được Kela, Cơ quan an ninh xã hội của Phần Lan, đề xuất và dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào năm sau. Với cơ chế này, ước tính, mỗi năm chính phủ Phần Lan phải chi ra khoảng 46,7 tỷ Euro (50,8 tỷ USD).
Chính phủ Phần Lan cho biết, họ muốn áp dụng cơ chế “thu nhập cơ bản toàn dân” này vào năm 2017 để thử nghiệm tính khả thi của chương trình.
Ohto Kanninen, một chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Tänk, bình luận: “Cơ chế thu nhập cơ bản này sẽ tác động thế nào đến thị trường việc làm Phần Lan - tích cực hay tiêu cực? Chúng ta không thực sự biết người dân sẽ phản ứng thế nào với thu nhập cơ bản này”.
Trong khi đó, theo khảo sát của Kela, 70% người tham gia khảo sát muốn chính phủ trợ cấp 1.000 Euro/tháng hay 1.087 USD/tháng.
Ý tưởng trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Phần Lan ở mức gần 10%, dân số già hóa, tăng trưởng kinh tế không nhiều triển vọng. “Kinh tế Phần Lan đang thực sự rất khó khăn”, Bộ Tài chính Phần Lan đánh giá trong một báo cáo công bố mới đây.
Thu nhập cơ bản được kỳ vọng sẽ khuyến khích nhiều người đi làm hơn, bởi theo cơ chế hiện tại, mọi công dân sẽ không được hưởng trợ cấp nữa khi bắt đầu có thu nhập.
Không chỉ Phần Lan, hiện tại, Thụy Sỹ cũng đang cân nhắc áp dụng hệ thống trợ cấp toàn dân và nhận được sự ủng hộ của 49% công dân. Cơ chế trợ cấp này cũng từng được áp dụng thí điểm ở Mỹ, Canada vào những năm 1960 và 1970. Một ví dụ tiêu biểu nhất đó là thành phố Dauphin, Manitoba ở Canada giai đoạn 1974-1979 khi toàn bộ công dân ở đây đều được nhận trợ cấp giống nhau.
Trong báo cáo có tựa đề “Thành phố không đói nghèo” năm 2011, chuyên gia kinh tế Evelyn L. Forget thuộc Đại học Manitoba cho rằng cơ chế phúc lợi này sẽ giúp giảm tỷ lệ nghèo và thậm chí hạn chế được một số vấn đề về sức khỏe ở Dauphin.
Tại Mỹ, chuyên gia kinh tế độc lập Milton Friedman cũng ủng hộ ý tưởng “thuế thu nhập âm”, nghĩa là thay vì người dân phải đóng thuế thu nhập, chính phủ sẽ trợ cấp cho người dân. Vào những năm 1960, Mỹ từng thử nghiệm chương trình phúc lợi “thu nhập cơ bản” và thấy rằng cơ chế này dường như không ảnh hưởng đến tỷ lệ nghèo.