Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?

PHAN TUYẾT

(GDVN) - Học sinh THPT phải học cùng lúc nhiều môn học quá cũng sẽ gây khó khăn cho việc các em học những môn sở trường để phát triển nghề nghiệp tương lai của mình.

Bàn về đổi mới giáo dục phổ thông, một số chuyên gia đã đưa ra ý kiến về dự thảo chương trình tổng thể vẫn buộc học sinh phải học quá nhiều môn, không có điều kiện đi sâu vào những lĩnh vực cần cho nghề nghiệp tương lai.

Bàn sâu vào chuyện này đã có các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hoạch định giáo dục tên tuổi. Tôi chỉ xin được kể một câu chuyện từ thực tế để mọi người tham khảo và nhìn nhận.

Vào những năm 80, trong lớp chuyên Văn của trường trung học phổ thông nơi tôi theo học có một người bạn học Văn rất giỏi.

Do có lợi thế được sinh ra trong một gia đình nhà nho, ba là nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng của tỉnh cộng với tư chất thông minh.

Bởi thế, bạn luôn khiến những thầy cô giáo dạy văn ở trường phải ngỡ ngàng bởi những suy nghĩ độc đáo, những bài văn hay vượt trội so với lứa tuổi và các học sinh trong lớp. Ngoài lợi thế về môn Văn, bạn cũng học rất giỏi môn Lịch sử, Địa lý.

Ngược lại, với những môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa dù bạn có nỗ lực thế nào kết quả cũng khó đạt tới mức trung bình. Với bạn, việc học những môn học ấy cũng là một cực hình nên đôi khi bạn cũng chẳng thể chú tâm.

Tôi còn nhớ, nhiều hôm thầy dạy Toán dừng giảng bài giữa chừng nhắc nhở theo kiểu đùa vui “Đây không phải truyện Kiều của Nguyễn Du mà anh cứ ngồi mơ màng”.

Thế rồi, điểm tổng kết cuối năm của bạn ngoài một số môn học khối C là cao ngất ngưỡng, những môn học khối A lại chưa đủ điểm trung bình.

Một số thầy cô giáo chia sẻ nếu cứ thẳng tay tổng kết có thể bạn sẽ không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.

Thế rồi, các thầy cô đã nới tay để những môn học ấy bạn đạt điểm 5.

Thi đại học năm ấy, nhiều bạn bè trong lớp của tôi đều trượt đại học.

Trong số đó có không ít bạn 12 năm liền đều là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến thường xuyên lên nhận thưởng của trường.

Riêng bạn đã đỗ vào trường đại học danh tiếng của nước ta với số điểm rất cao (thông thường là đủ điểm tuyển du học nước ngoài). 

Không được đi nước ngoài du học vì một số lý do riêng, bạn đăng kí học khoa sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ra trường, bạn trở về làm ở một cơ quan của tỉnh chẳng liên quan gì đến ngành học của mình. Nhưng dù thế, ở nhà bạn vẫn âm thầm, nhẫn nại nghiên cứu về Hán Nôm, giải nghĩa và viết từ điển tiếng Việt.

Những bài viết của bạn đã được nhiều người quan tâm, đón đọc. Trong số đó, có không ít giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học, nhiều giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước phải nể phục vì sự lý giải sắc bén, chính xác thể hiện sự hiểu biết uyên thâm của người viết.

Trong thực tế, nhiều học sinh chưa bao giờ đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhưng thi đại học lại đạt số điểm rất cao.

Ngược lại nhiều em học một cách toàn diện, đạt nhiều danh hiệu nhưng lại trượt đại học vì điểm thi rất thấp. 

Học sinh trung học phổ thông phải học cùng lúc nhiều môn học quá cũng sẽ gây khó khăn cho việc các em học những môn sở trường để phát triển nghề nghiệp tương lai của mình.