(TBKTSG) - Gần đây, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dựa trên luận điểm nhằm duy trì tính bền vững về tài chính của hệ thống hưu trí thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng.
Để đánh giá về tính hợp lý và liều lượng cần thiết của giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu, có lẽ nên tham khảo mô hình hưu trí của các nước và có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác về phát triển kinh tế OECD năm 2013, các hệ thống hưu trí là đa dạng và có liên quan đến nhiều chương trình, chính sách khác nhau. Do đó, mặc dù tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tránh vỡ quỹ hưu trí ở nhiều nước, tuổi nghỉ hưu chỉ là một biến số trong phương trình cân bằng theo hệ thống pay-as-you-go (PAYG) mà Việt Nam đang áp dụng. Giải pháp tăng tuổi hưu vì vậy như một loại thuốc kháng sinh, có ích nhưng không phải là thần dược chữa được bách bệnh, và dùng phải đúng liều lượng, nếu không sẽ gây hại.
Hệ thống hưu trí, về cơ bản, có hai hệ thống là PAYG (thường do nhà nước quản lý) và Quỹ Hưu trí tự nguyện đóng góp (Funded Pension, có thể do tư nhân hoặc nhà nước quản lý). Trong đó, hệ thống PAYG thường gắn liền với cơ chế căn cứ vào thu nhập để xác định mức đóng và quyền lợi khi về hưu, còn hệ thống Quỹ Hưu trí tự nguyện thường gắn liền với cơ chế căn cứ vào mức đóng tự chọn của người lao động (có thể có thêm hỗ trợ của người sử dụng lao động) để xác định quyền lợi khi về hưu.
Tăng tuổi hưu chỉ giải quyết một phần của phương trình cân đối
Đối với những nước thực hiện hệ thống PAYG, trong đó có Việt Nam, mục tiêu đảm bảo thu nhập cần thiết cho người về hưu và duy trì tính bền vững về tài chính cần được đặt trong cả bối cảnh kinh tế học và dân số học, bởi vì sự cân bằng về mặt tài chính của hệ thống hưu trí phụ thuộc và ba yếu tố: (1) số người đóng góp/số người nhận quyền lợi; (2) tỷ lệ đóng góp trung bình; (3) quyền lợi trung bình/thu nhập trung bình.
Số người đóng vào quỹ/Số người nhận quyền lợi (F1) x Tỷ lệ đóng trung bình (F2) = Quyền lợi trung bình/(Thu nhập trung bình) (F3)
Dưới góc độ dân số học, tỷ lệ số người đóng vào quỹ hưu trí so với số người nhận quyền lợi hưu trí phụ thuộc vào tỷ lệ sinh con, tuổi thọ trung bình, lượng người nhập cư... Còn dưới góc độ kinh tế học, quỹ hưu trí chịu ảnh hưởng của tăng trưởng GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, năng suất lao động bình quân, bình quân tổng thời gian làm việc... tác động lên cả ba yếu tố.
Như vậy, để cân bằng về tài chính của hệ thống hưu trí, việc tăng tuổi hưu chỉ thay đổi một trong ba yếu tố là tỷ lệ số người đóng/số người hưởng. Với một thực tế là tuổi thọ của con người nói chung ngày càng tăng, việc tăng tuổi hưu là cần thiết ở hầu hết các quốc gia, nhất là ở những quốc gia châu Âu đang già hóa nhanh. Nhưng mấu chốt của vấn đề tăng tuổi hưu là lộ trình thực hiện như thế nào trong giai đoạn “chuyển giao”. Thực hiện không tốt hoặc gây sốc có thể làm mất cân bằng phương trình hơn nữa vì nó có thể tác động lên hai yếu tố F2 và F3 còn lại kể trên. Như thế thì khả năng bền vững của quỹ hưu trí vẫn sẽ bị đe dọa.
Mặt khác, hai yếu tố quan trọng còn lại là tỷ lệ đóng trung bình và tỷ lệ quyền lợi/thu nhập bị chi phối bởi nhiều yếu tố liên quan đến chính sách và điều hành của Nhà nước trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động cũng như chi tiêu công ích. Vì những biến số này phụ thuộc vào nhiều chính sách, quỹ hưu trí vẫn có thể tiếp tục có nguy cơ mất cân đối cho dù đã tăng tuổi hưu. Và vì tuổi thọ của con người cũng như sức khỏe có giới hạn, tăng tuổi hưu cũng có trần giới hạn của nó.
Điều đó có nghĩa là mặc dù tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp để cân bằng quỹ hưu trí, một mình nó không thể giải quyết được cân bằng của phương trình cân đối, hay nói cách khác là nguy cơ vỡ quỹ về dài hạn. Vì vậy, chỉ nói tới tăng tuổi hưu như một giải pháp duy nhất để cân đối quỹ hưu trí là chưa đủ.
Có nên tư nhân hóa quỹ bảo hiểm xã hội hay đem tiền hưu trí đi đầu tư chứng khoán?
Trong một số hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện đóng góp thì người đóng tiền có thể tự chọn đầu tư tiền hưu trí của mình vào những kênh đầu tư rủi ro hơn như cổ phiếu để sinh lợi cao so với phương pháp đầu tư bảo thủ an toàn của hệ thống PAYG. Điều này tương thích với một số đề xuất hãy sử dụng tiền hưu trí đi mua chứng khoán.
Tuy nhiên, việc tư nhân hóa quỹ hưu trí hiện nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia vì lợi ích tuyệt đối của chính sách này chưa được khẳng định. Nói như nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2001 Joseph Stiglitz, “không có bữa trưa miễn phí” cho người hưu trí.
Khi Tổng thống Mỹ George W. Bush đề xuất tư nhân hóa hệ thống hưu trí Mỹ cách đây hơn 10 năm, nghĩa là cho phép cá nhân bỏ tiền bảo hiểm xã hội đã đóng của mình vào các tài khoản hưu trí tư nhân (đồng nghĩa với việc chuyển quỹ bảo hiểm xã hội từ nhà nước sang cho tư nhân quản lý và đầu tư), ông Stiglitz đã cho rằng có hai vấn đề lớn với quỹ hưu trí tư nhân.
Thứ nhất, không có gì đảm bảo hưu trí tư nhân thành công hơn quỹ bảo hiểm xã hội của chính phủ. Ông cho rằng lý lẽ ủng hộ tư nhân hóa quỹ hưu trí dựa trên giả định rằng có thể đầu tư tiền bảo hiểm xã hội vào cổ phiếu, kiếm bình quân 9%/năm là có vấn đề vì không có gì đảm bảo con số lợi nhuận quá khứ đó sẽ trở thành sự thật. Có nhiều năm thị trường cổ phiếu sẽ sụt giảm không tưởng và không theo kịp lạm phát.
Thứ hai, quan trọng hơn, tư nhân hóa không giải quyết vấn đề căn bản: mất cân bằng quỹ hưu trí. Quỹ hưu trí đã có nguy cơ vỡ thì chuyển qua tay tư nhân nó cũng thiếu tiền như thường. Không thể vì chuyển từ nhà nước sang tư nhân thì cái lỗ hổng thâm hụt nó biến mất được. Ngược lại, nếu đã chuyển từ nhà nước sang tư nhân có nghĩa là nhà nước không có trách nhiệm bù vào thâm hụt của quỹ hưu trí tư nhân trong tương lai và như vậy sau này quỹ tư nhân mà thiếu tiền trả hưu trí thì người nhận tiền hưu trí phải làm sao? Họ chỉ có hai lựa chọn: (1) tăng tỷ lệ đóng góp thêm vào quỹ để giữ cho quỹ không vỡ, và (2) nhận được rất ít tiền hưu (hoặc mất luôn).
Một vấn đề thực tế nữa của quỹ hưu trí tư nhân tự nguyện theo dạng như 401(k) của Mỹ hay dạng quỹ hưu trí nghề nghiệp ở Anh là buộc người đóng phải duy trì làm việc lâu dài ở các công ty lớn. Chỉ có những công ty lớn ở những nước này mới có những chương trình đóng hưu trí tự nguyện mà theo đó người lao động đóng một phần vào quỹ hưu trí, phần còn lại do công ty bù vào.
Do đó, nếu thực hiện tư nhân hóa hoàn toàn quỹ hưu trí thì sẽ giảm gánh nặng đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp nhưng đồng thời không có ai buộc doanh nghiệp phải mở chương trình hưu trí tư nhân cho công nhân viên. Những người làm việc ở doanh nghiệp nhỏ, chủ công ty khởi nghiệp hay là những người thu nhập thấp công việc không ổn định (như làm công nhân của công ty nhỏ) đều sẽ có nguy cơ không có đồng lương hưu trí nào cả. Thực tế này đã diễn ra ở Mỹ sau khủng hoảng tài chính 2008, đúng như dự đoán của Stiglitz vào năm 2005. Nhiều quỹ hưu trí tư nhân lâm vào nguy cơ vỡ quỹ, nhiều người đầu tư sai lầm với tài khoản 401(k) của mình và rất nhiều người khác không có một tài khoản 401(k) nào cả.
Nói tóm lại, bất cứ hệ thống hưu trí nào nếu chỉ duy trì một trong hai thái cực PAYG hoặc đóng góp tự nguyện hoàn toàn đều có mặt trái của nó. Trên lý thuyết, thực hiện hệ thống PAYG có lợi hơn cho số đông người tham gia. Tuy nhiên, mức thu nhập và chi tiêu thực tế của người về hưu (do lạm phát, do chi phí không chính thức...) có thể gây hiệu ứng ngược cho hệ thống PAYG. Ngược lại, tư nhân hóa hoàn toàn hệ thống hưu trí có nguy cơ khiến những người thu nhập thấp, làm ở công ty nhỏ và ít kiến thức về tài chính lâm vào nghèo túng.
Kết luận
Việt Nam nên tiếp tục hệ thống PAYG và mở rộng, khuyến khích hơn cơ chế đóng tự chọn cho Quỹ hưu trí phi tập trung (tự nguyện). Việc bổ sung cơ chế mức đóng tự chọn (phi tập trung) với những chính sách thuế khóa, bảo hiểm xã hội mang tính khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình hưu trí tư nhân cho nhân viên (để đánh đổi giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội) sẽ thúc đẩy ý thức tự lập kế hoạch tài chính cá nhân, từ đó có những lợi ích nhất định về mặt vĩ mô. Tất nhiên đi kèm với nó phải là việc giáo dục kiến thức tài chính cá nhân một cách hợp lý và tạo thuận lợi cho việc hình thành các quỹ hưu trí tư nhân.