VNN - "Tôi cũng được chứng kiến một dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ được đệ trình vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và mặc dù bị các chuyên gia tài chính đánh giá là “vô vọng”, nó vẫn được phê duyệt một cách rất nhầm lẫn".
Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn (hoặc sự không đồng nhất) hiện nay giữa phát triển kinh tế - thông qua các dự án kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, lợi ích cộng đồng? TBKTSG trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên VIAC.
Phóng viên: Theo ông, việc xem xét, đánh giá và ra quyết định thực hiện một dự án kinh tế nên như thế nào? Vai trò, tiếng nói của người dân - cộng đồng liên quan và toàn xã hội về tác động của dự án đối với họ ra sao?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Có thể nói rằng bất cứ dự án đầu tư nào cũng gây ra các tác động về nhiều mặt như kinh tế, xã hội và môi trường, dự án càng lớn thì các tác động gây ra càng lớn. Đặc biệt lưu ý là các tác động đó không bao giờ chỉ là tích cực, có dự án mang lại lợi ích về kinh tế nhưng lại có ý nghĩa tiêu cực về xã hội và phải trả giá về môi trường, điển hình là dự án thép của Công ty Formosa ở Hà Tĩnh như chúng ta đã biết.
Tuy nhiên, có một thực tế là trải qua bao nhiêu lần xây dựng và sửa đổi các luật về đầu tư, chúng ta vẫn đi theo một lối mòn tư duy rất cũ và bị trói buộc bởi cách tiếp cận một phía và một chiều. Đó là khi đánh giá các tác động của dự án thì chủ yếu chỉ căn cứ vào sự giải trình của chính nhà đầu tư và sự thẩm định của các cơ quan nhà nước mà quên đi quan điểm và tiếng nói của các tổ chức chuyên môn độc lập và đặc biệt là người dân, với tư cách là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi bao lâu nay, chúng ta luôn luôn tự cho rằng Nhà nước là đại diện của dân nên luôn luôn nghĩ thay và lo hộ cho dân rồi! Nhưng những gì diễn ra với dự án thép Formosa đã chứng minh hùng hồn rằng điều đó sai...
Trên thế giới, không ở đâu người ta có lối tư duy đơn giản như vậy cả. Cho nên, đối với mỗi dự án đầu tư, dù là ở quy mô nhỏ và tác động không lớn, nhưng hễ có một số lượng nhất định người dân phản đối là người ta cho dừng dự án ngay để xem xét lại, nếu không dừng hẳn thì ít nhất cũng buộc phải giải trình cho người dân hiểu rõ hơn.
Từ cách tiếp cận lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu đến coi con người làm trung tâm là một chặng đường đấu tranh để thay đổi nhận thức khá dài. Năm 2011, Liên hợp quốc đã ban hành bản khuyến nghị về các nguyên tắc chung về kinh doanh và nhân quyền. Theo đó, không chỉ Nhà nước mà cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng buộc phải tôn trọng và bảo về các quyền con người đã được pháp luật thừa nhận, trong đó có các quyền quan trọng như quyền sinh kế, quyền được hưởng môi trường trong sạch và an toàn cho sức khỏe, quyền bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và cộng đồng...
Từ thời điểm này và cả trước đó, ở nhiều quốc gia, một nguyên lý hành động và ứng xử mới đã được cả chính quyền và các doanh nghiệp lớn cam kết tuân thủ. Đó là, đối với một dự án đầu tư, người dân trực tiếp và các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng đều có quyền tham gia vào quá trình đánh giá các tác động kinh tế, xã hội và môi trường có liên quan. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi phê duyệt dự án, chính quyền còn cho phép cả hai bên, tức nhà đầu tư và người dân, cùng đồng thời đánh giá tác động và phản biện lẫn nhau. Rất tiếc rằng cả nhận thức và thực tế này đường như còn khá mới mẻ và xa lạ với đất nước chúng ta.
Làm sao để hạn chế sự câu kết giữa chính quyền địa phương, các quan chức với các ông chủ dự án nhằm lách luật, thậm chí là vượt qua luật? Hay bản thân luật hiện nay cũng có vấn đề, cũng tạo môi trường cho sự câu kết này, thưa ông?
- Cũng phải thừa nhận là sự câu kết giữa chính quyền và các quan chức địa phương với các nhà đầu tư và chủ dự án có thể xảy ra ở khắp nơi, không chỉ Việt Nam. Lý do đơn giản là bởi các lợi ích trước mắt cho tất cả các bên như: thành tích chính trị về tăng trưởng và tạo việc làm cho các nhà chính trị địa phương, các lợi ích vật chất mà các quan chức có được thông qua đường dẫn tham nhũng, tiêu cực; còn người dân bình thường thì có thể nhất thời ủng hộ và hoan nghênh dự án do bị lừa dối và cả tin vào các điều hứa hẹn về tương lai tốt đẹp hơn.
Vậy thì luật pháp có thể giúp được gì nhằm hạn chế sự câu kết này? Theo tôi, vấn đề không chỉ là thực thi luật pháp mà trước hết ở chất lượng của pháp luật. Câu hỏi cụ thể là: pháp luật có thực sự thể hiện tính khoa học, dân chủ, nhân văn và lẽ công bằng hay không, hay pháp luật được tạo ra chỉ như một công cụ để bảo vệ lợi ích của một nhóm xã hội nào đó, thậm chí là các lợi ích được theo đuổi tại một thời điểm chính trị - xã hội nhất định nào đó?
Phân tích ở khía cạnh này, tôi cho rằng các luật về đầu tư, kinh doanh của chúng ta trước đây và cả Luật Đầu tư hiện giờ đã và đang có rất nhiều vấn đề căn bản. Xét từ góc độ lợi ích của nhà đầu tư, chúng ta không tôn trọng các nguyên lý thị trường. Xét theo quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, chúng ta không hướng tới mục tiêu bảo về các quyền của họ. Thay vào đó và trên tất cả, một tinh thần toát lên vẫn là kiểm soát và quản lý của Nhà nước, được nhấn mạnh tới mức nhiều người nhận xét là không hiểu động cơ của điều đó là gì, bởi nó không gắn với lợi ích nào cụ thể cả. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm xem xét lại sự cần thiết tồn tại của chính Luật Đầu tư hiện nay.
Các dự án kinh tế lớn hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay, cả trong nước và nước ngoài. Những rủi ro nào cần cân nhắc khi quyết định có cho thực hiện một dự án hay không, thay vì chỉ nhìn vào chiếc bánh vẽ mà chủ đầu tư trưng ra?
- Trong khía cạnh cụ thể này, tức quy mô vốn hay tài chính của dự án, tôi cho rằng đang tồn tại cả sự nhầm lẫn lẫn sự có chủ ý từ phía các cơ quan phê duyệt. Nhầm lẫn ở chỗ, về bản chất kinh tế, không có dự án lớn nào được thực hiện bởi chính người đang được gọi là “chủ đầu tư” cả, và đối với các dự án hàng tỉ đô la Mỹ thì câu trả lời càng tuyệt đối là “không”. Thay vào đó, các ông chủ dự án chỉ đóng vai trò người phát triển (tức developer) và là người bỏ ra các chi phí ban đầu. Còn chủ sở hữu thật sự của dự án bao giờ cũng là các ngân hàng và định chế tài chính.
Đã từng tham dự các cuộc họp thẩm định dự án, tôi chưa thấy các cơ quan phê duyệt tham khảo ý kiến các nhà tài trợ hoặc nhà tư vấn, môi giới tài chính mà chỉ tập trung chất vấn các developer mà thôi, hay cùng lắm là đòi cho xem các tờ giấy cam kết tài trợ của ngân hàng nào đó, vốn không có giá trị pháp lý thực sự nào cả. Tôi cũng được chứng kiến một dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ được đệ trình vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và mặc dù bị các chuyên gia tài chính đánh giá là “vô vọng”, nó vẫn được phê duyệt một cách rất nhầm lẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn có cả sự chủ ý của cơ quan phê duyệt, đặc biệt là các cơ quan địa phương. Đó chính là chủ trương săn đuổi các dự án có quy mô vốn lớn. Quy mô lớn thì tính phức tạp càng cao và dự án càng tạo cơ hội trục lợi lớn hơn cho các cán bộ “câu kết”. Đồng thời, cái bánh vẽ được tạo ra cũng càng lớn hơn, ít nhất có lợi cho sự quảng bá về thành tích chính trị trong phát triển kinh tế của địa phương.
Có dự án ra đời sau này trong bối cảnh quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành đã có nhưng các quy hoạch đó dễ dàng được sửa đổi để hợp thức hóa dự án hoặc ngược lại? Vậy thì, theo ông, các quy hoạch này có ý nghĩa gì? Cần thay đổi tư duy và cách làm quy hoạch ra sao?
- Có thể nói rằng vấn đề quy hoạch cũng đang là một nhức nhối khác đối với xã hội và người dân. Công tác quy hoạch dường như không còn sự tín nhiệm xã hội nào bởi cả tính mục tiêu, tính khoa học, sự minh bạch và công bằng lẫn sự ổn định của các bản quy hoạch. Trong trạng thái lý tưởng, công tác quy hoạch hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều, hài hoà và bền vững, đồng thời các bản quy hoạch trở thành hành lang pháp lý cho các dự án đầu tư cụ thể. Bởi xét cho cùng, hiệu quả và hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước có trọng tâm chính ở quy hoạch.
Tuy nhiên, rất tiếc rằng trong những năm qua, điều tiêu cực nhất ảnh hưởng đến chất lượng các bản quy hoạch là tính chủ quan, duy ý chí của những người làm ra nó, lấy kế hoạch áp đặt lên thị trường. Ngoài ra, yếu tố làm cho các bản quy hoạch không còn tính pháp quy là sự dễ dàng bị uốn nắn hay sửa đổi bởi các nhóm lợi ích có thế lực trong xã hội thông qua các dự án đầu tư cụ thể.
Chúng ta đang có quá nhiều quy hoạch lại ở mức độ quá chi tiết, do đó, nó luôn luôn thiếu các phương tiện và nguồn lực để thực hiện. Không cấp chính quyền nào muốn các quy hoạch của mình thất bại cả, do đó, chỉ cần có dự án đầu tư như một nguồn lực xuất hiện là người ta sẵn sàng cho phép thương lượng để chỉnh sửa quy hoạch. Mâu thuẫn này là có thật và tồn tại ở mọi nơi. Tuy nhiên, chỉ có thể giải quyết nó bằng những người làm quy hoạch thật sự công tâm vì sự phát triển đất nước, đồng thời với sự nhận thức đúng đắn bản chất thị trường của nền kinh tế trong mối quan hệ với vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước, hơn là các ý kiến đề xuất về xây dựng Luật Quy hoạch một cách giản đơn.