Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Tài xế dìu xe mất phanh và giọt nước mắt của người thầy

Lê Nguyễn Duy Hậu

VNN - Những người như anh Phan Văn Bắc, thầy Nguyễn Thận… chính là niềm cảm hứng cho các hành động “can đảm thường nhật”. Họ đã cho chúng ta một cái nhìn mới về hai từ “anh hùng”.

Quyết định của Phan Văn Bắc

Không nhiều người biết anh Bắc là ai cho đến vài ngày qua.

Lái xe trên cung đường quen thuộc, nhưng ngày hôm đó với anh Bắc lại trở nên khác biệt. Chứng kiến cảnh một chiếc xe khách bị mất thắng qua gương chiếu hậu, anh Bắc có rất nhiều lựa chọn. Lựa chọn dễ dàng nhất của anh là tăng tốc bỏ mặt chiếc xe đang đứt thắng và về với vợ con. Sẽ không ai trách anh cả và cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn.

Nhưng trực giác cho anh biết làm như vậy, một tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra. Trong tích tắc đó, anh Bắc đã không chọn làm điều dễ dàng, mà đã chọn làm điều dũng cảm. Anh đánh lái làm vật chắn để ghì chiếc xe khách lại và cứu sống hành chục người.

Anh Bắc đã trở thành người anh hùng như thế.

Giọt nước mắt của thầy Thận

Thầy Nguyễn Thận đã không thể ngủ ngon trong suốt 15 năm trời.

Ngày thầy còn làm chủ tịch xã, một gia đình nọ trong xã có vướng vào một vụ đại án. 7 người trong gia đình đó vướng vòng lao lý, có người chịu án chung thân, có người chỉ thoát án tử nhờ may mắn. Bản án đã được tuyên, dư luận đã kết tội và mọi người đã quên họ.

Nhưng thầy Thận thì không. Bằng cảm quan và chứng cứ, thầy tin rằng họ vô tội. Không một ai giúp đỡ, thầy dành 15 năm để theo đuổi, đi tìm công lý cho những người thầy không thực sự quen biết. Có khi thầy cảm thấy cô đơn, bất lực, nhưng chưa bao giờ thầy bỏ cuộc. Có kẻ gọi thầy là ông già lo việc bao đồng, thầy mặc kệ. Hành trình đó đã trở thành một phần cuộc sống của thầy.

15 năm sau, ông Huỳnh Văn Nén, người chịu án oan nặng nề nhất của gia đình nọ và trong lịch sử tư pháp Việt Nam, được thả và xin lỗi công khai. Dư luận bắt đầu tung hô thầy Thận, gọi thầy là người tử tế của năm, gọi thầy là anh hùng.

Chứng kiến đêm đoàn tụ đầu tiên của nhà ông Nén, thầy Thận chỉ ôm mặt khóc.

Bản danh sách của Schindler

Oskar Schindler từng là một tên gián điệp.

Gã từng bị chính quyền Tiệp Khắc bắt giam vì hoạt động điệp báo cho Đức. Khi thế chiến bùng nổ, Schindler gia nhập Đảng Quốc xã và mở một xí nghiệp gần các trại tập trung. Mục đích của gã là tận dụng nguồn nhân công giá rẻ từ những người Do Thái trong trại tập trung của quân Đức để kiếm lợi. Bằng tài lừa lọc và móc nối, gã mau chóng phát đạt và sống một đời phóng túng.

Một ngày, gã cùng tình nhân phi ngựa trên một ngọn đồi thì vô tình chứng kiến cảnh quân Đức àn sát người Do Thái. Lẽ ra gã đã có thể bỏ đi, vì những việc này diễn ra quá nhiều, quá thường xuyên, và gã được dạy rằng người Do Thái không phải là con người. Nhưng gã đã không rời đi.

Kể từ ngày hôm đó, gã quyết định sử dụng tất cả số tiền kiếm được để chuộc lấy mạng sống cho những người Do Thái mà gã có thể. Gã lập ra một bản danh sách, được biết với cái tên Bản danh sách của Schindler, bao gồm những người Do Thái mà gã có thể cứu lấy mạng sống bằng tài sản của mình.

Ngày chiến tranh kết thúc, Schindler phải trốn chạy vì là đảng viên Quốc xã, gã một lần nữa oán hận bản thân vì lẽ ra chiếc đồng hồ gã đeo có thể đổi được thêm hai mạng người còn chiếc xe gã trốn chạy đáng giá mười sinh linh.

Sau này, khi được hỏi động lực nào đã khiến gã quyết định làm một anh hùng như vậy, gã chỉ trả lời rằng thật khó để có thể làm ngơ khi những người ta quen biết dù thân hay sơ gặp nạn.

Oskar Schindler đã trở thành một anh hùng như thế.

***

Nguyễn Thận, Phan Văn Bắc ở Việt Nam, hay Oskar Schindler ở Đức có xuất thân khác nhau, khác thế hệ và có câu chuyện khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung đó là họ đã lựa chọn làm điều can đảm, thay vì làm điều dễ dàng. Khi bỏ tiền ra cứu người Do Thái, Schindler không biết bao giờ chiến tranh mới kết thúc và tính mạng ông có được đảm bảo hay không. Khi thầy Nguyễn Thận bắt đầu cuộc hành trình, thầy rất cô độc. Khi anh Bắc quyết định đánh lái, thần chết gần như luôn hiện diện. Nhưng sức mạnh nào khiến cho họ chấp nhận làm những điều phi thường đó? Tất cả đều tin mình làm đúng.

Chúng ta thường cảm phục những người hùng như họ vì cho rằng hành động của họ là dấn thân, là quên mình, là hy sinh. Nhưng như có người đã nói, họ không hy sinh, họ đã lựa chọn. Chắc hẳn những gì mà Schindler, Nguyễn Thận, Phan Văn Bắc chứng kiến tuy ngắn ngủi nhưng đã lay động được trái tim của họ. Khi trái tim đã quyết định làm điều tử tế thì đó chính là sức mạnh phi thường nhất.

Trong một xã hội mà sự tử tế không còn là một tiêu chuẩn sống như lẽ ra nó phải như thế thì những câu chuyện của Schindler, Nguyễn Thận, Phan Văn Bắc chính là niềm cảm hứng cho các hành động “can đảm thường nhật”[1]. Họ đã cho chúng ta một cái nhìn mới về hai từ “anh hùng”. Anh hùng không nhất thiết phải hy sinh, chỉ cần sống tử tế. Mà sống tử tế chưa bao giờ là một sự hy sinh cả.

-------

[1] Tiến sĩ Philip Zimbardo dùng cụm từ “anh hùng thường nhật” (daily heroes) để chỉ những người như Schindler, Nguyễn Thận, hay Phan Văn Bắc khi họ chấp nhận làm điều tử tế và xem nó như một phần của cuộc đời họ.