(GDVN) - Những vi phạm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn phải có tính hệ thống, có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là đơn vị quản lý...
Cần làm rõ trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng
Ngày 8/9, Ban Bí thư đã họp để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016.
Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành.
Thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Kết luận của Ban Bí thư cũng chỉ rõ, ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI.
Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi PVC thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển lên các vị trí lãnh đạo là có dấu hiệu bất thường.
Câu hỏi đặt ra là: Việc ông Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng nhưng vẫn được điều lên làm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, điều về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang! Vậy trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương tới đâu?
Về việc này, hôm 9/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ngoài việc xem xét trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, liên quan trực tiếp về công tác quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
“Những vi phạm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn phải có tính hệ thống, có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó đặc biệt là đơn vị quản lý.
Một mình ông Thanh không thể làm được việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Bản thân ông Thanh chỉ là đối tượng được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết thêm, việc PVC xảy ra thua lỗ có trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh. Mặt khác, quá trình thực hiện đề bạt bổ nhiệm, ông Thanh không trung thực thông tin trong hồ sơ là lỗi do cán bộ này.
“Lỗi của ông Thanh một phần, thế nhưng việc tổ chức kiểm tra không đến nơi đến chốn mới xảy ra việc “con voi chui lọt lỗ kim”.
Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của từng giai đoạn một, từ việc đề xuất đến việc quyết định đề bạt, bổ nhiệm, tiếp nhận.
Những người có liên quan tới việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển ông Thanh cũng cần phải làm rõ".
Từ vụ việc nêu trên, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nhận định, cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ hiện nay.
“Chế độ làm việc tập thể, phân công phân nhiệm, trách nhiệm quản lý từng lĩnh vực không rõ ràng, dẫn tới việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa đầy đủ. Lỗi này có tính hệ thống.
Cứ có "tội" là... ốm
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo giới Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: "Hiện tại, ông Trịnh Xuân Thanh đang trong giai đoạn xin nghỉ phép để đi chữa bệnh".
Tuy nhiên, ông Thanh sau khi hết phép vẫn không có mặt tại cơ quan để làm việc.
Tiếp đó, hôm 8/9, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề có liên quan.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu vẫn còn là ẩn số.
Trước những thông tin nêu trên, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội) phân vân: "Tôi thấy rất kỳ lạ! Tất cả mọi người khi được đề bạt hay bổ nhiệm thì rất vui, phấn khởi. Nhưng đến lúc bắt đầu xảy ra chuyện liên quan tới mình thì kiểu gì cũng có sự cố. Lý do có thể là ốm đau, bệnh tật...
Tất nhiên có những chuyện bất ngờ, đột biến xảy ra với con người là điều bình thường. Nhưng hiếm có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào xảy ra nhiều lần, đối với nhiều người và đúng thời điểm đến vậy. Tôi nhớ rằng từng cấp đều có ban quản lý, theo dõi sức khỏe cán bộ cả đấy!".
Về việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
"Rõ ràng trong quản lý hoạt động kinh tế, công tác cán bộ, ông Trịnh Xuân Thanh là người có lỗi. Nhưng ông Thanh chỉ có quyền đề đạt nguyện vọng, nêu ý kiến của mình.
Bản thân ông Thanh làm sao có thể tự ý ký quyết định bổ nhiệm, luân chuyển cho mình được. Do đó, phải làm rõ từng khâu trong công tác cán bộ liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh.
Bên cạnh đó, phải làm rõ ai đã "chống đỡ" cho ông Trịnh Xuân Thanh trước những vi phạm nêu trên. Vấn đề này, Bộ Công thương phải giải trình rõ và quy trách nhiệm đến cùng. Như vậy mới công bằng", PGS.TS Bùi Thị An cho biết.