Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Nhân phẩm tại tòa

Phạm Trung Tuyến

Kham Pha - Mỗi người đều phải trả giá cho hành vi của mình, bằng cách này hay cách khác. Song, nhân phẩm của mỗi con người, hay cụ thể hơn, quyền nhân thân của mỗi người được đảm bảo bằng luật pháp.

Một vụ án tình-tiền được đưa ra xét xử. Chưa có phán quyết của tòa án nhưng hai bên nguyên-bị đều đã được phán xét một cách ầm ĩ trên mọi phương tiện truyền thông. Những hình ảnh trong trạng thái không có khả năng tự vệ được phơi bày cùng với các câu chuyện ngõ ngách trong đời sống riêng tư của họ. Nếu sau đó, một trong hai con người ấy hoàn toàn vô tội thì thế nào? Nếu có tội, sau khi chấp hành bản án, họ sẽ trở về với cuộc sống ra sao?

Có thể rất nhiều người trong chúng ta không quan tâm đến câu hỏi đó bởi nghĩ rằng những con người đang trong tâm điểm truyền thông kia phải chấp nhận cái giá phải trả cho lối sống của mình. Điều đó cũng không sai. Mỗi người đều phải trả giá cho hành vi của mình, bằng cách này hay cách khác. Song, nhân phẩm của mỗi con người, hay cụ thể hơn, quyền nhân thân của mỗi người được đảm bảo bằng luật pháp.

Những con người trong câu chuyện tình tiền kia có thể đều có lý do để mà phải trả giá cho sai lầm của mình. Có điều, họ chỉ phải trả giá cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến lỗi lầm mà họ gây ra. Chưa nói đến việc, tại thời điểm này, tòa chưa tuyên án.

Một người phụ nữ bị còng tay đứng trước vành móng ngựa với những cáo buộc về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình ảnh đó sẽ đọng lại trong trí nhớ người xem, nó sẽ đồng hành với cuộc sống của người phụ nữ đó trong suốt cuộc đời còn lại của mình, dù sau đó, cô ta có thể không có tội.

Một người đàn ông đứng chắp tay trong không gian quyền uy của phòng xử án, nhẫn nhục đứng nghe những lời tố cáo về sự bệnh hoạn của mình ở phía đối diện. Hình ảnh đó cũng đọng lại trong trí nhớ người xem, và đồng hành với cuộc sống của anh ta nhiều năm sau đó, dù sau đó, những lời tố cáo đối với anh ta được chứng minh là vô căn cứ.

Đối chiếu với Hiến pháp và Luật Hình sự thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Còn trong Luật Dân sự thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh cá nhân của bất kỳ ai cũng phải được sự đồng ý của người đó. Khi chưa bị phán quyết là có tội, những con người đó vẫn còn nguyên quyền về hình ảnh của mình. Và dĩ nhiên, không ai đồng ý hình ảnh của bản thân trong trạng thái xấu xí xuất hiện trên truyền thông.

Trở lại với án tình-tiền đang ầm ĩ kia. Hai con người bị bêu tên tuổi, hình ảnh với những thông tin tồi tệ suốt những ngày vừa qua, họ chắc chắn sẽ không còn có thể trở lại với cuộc sống như những con người bình thường. Cho dù, sau đó, họ có được chứng minh là hoàn toàn vô tội.

Có những nhà báo đã ghi lại hình ảnh của họ và có rất nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh của họ. Có lẽ, họ đều có lý do cho hành động đó của mình, có thể họ cho rằng những con người đó là có tội, và cần bị trả giá. Song, việc phán xét tội lỗi của họ, có cần đến kết quả của phiên tòa hay không? Tòa án, có cần gìn giữ quyền được phán xét, và nhân phẩm của những con người đang đứng trước quyền lực của mình?