(TBKTSG) - Dường như có một nghịch lý trong khi loại nhạc hành khúc thời chiến tranh được sử dụng vô cớ không phù hợp ở những nơi công cộng như ở phố đi bộ, hội sách, nhà sách...(xem bài Hành khúc mất ngủ của Nguyễn An Sa trên TBKTSG số vừa rồi) và một bên là dòng nhạc bolero mà trước đây từng bị lên án là nhạc vàng (*) ủy mị, nguy hại cần ngăn nay đang chiếm nhiều giờ vàng trên nhiều kênh truyền hình lớn trong nước và lan tràn trên thị trường ca nhạc.
Thực ra, có thể xem hiện tượng này như một biểu hiện của tình trạng bất bình thường trong đời sống âm nhạc hiện nay. Với trường hợp đầu, bài viết nêu trên đã phân tích khá rõ; ở đây thử bàn về hiện tượng bolero đang trỗi dậy.
Như đã biết, điệu bolero ở Việt Nam với nhịp chậm rãi, giọng kể lể, thường được dùng để chuyển tải chuyện tình buồn, trắc trở, chia ly, hoặc nỗi sầu nhân tình thế thái, thịnh hành ở miền Nam từ cuối thập kỷ 1950 và trở thành một dòng nhạc được nhiều người ưa chuộng, nhất là giới bình dân.
Từ sau năm 1975, không chỉ dòng nhạc bolero mà đại đa số ca khúc ra đời ở miền Nam trước đó (hẳn nhiên trừ dòng nhạc đấu tranh cách mạng) đều bị nhét chung một giỏ “nhạc vàng”. Nó bị lên án nặng nề, bị ngăn cấm phổ biến, trình diễn và trên tất cả phương tiện tuyên truyền, truyền thông thời ấy để chỉ còn các loại nhạc kêu gọi chiến đấu - “nhạc đỏ” như cách nhiều người gọi - hoặc dân ca, nhạc cổ, dòng nhạc chủ yếu ca ngợi quê hương giàu đẹp, anh hùng.
Nhạc bolero hay “nhạc vàng” nói chung phải rút vào “bí mật” như một dòng chảy ngầm, rồi theo chiều hướng mở về chính trị - xã hội, cái “vòng kim cô nhạc vàng” tuy vẫn còn nhưng không quá siết chặt như trước (tuy vậy, đến bây giờ muốn phổ biến một ca khúc nào trước 1975 cũng phải có giấy phép của ngành văn hóa). Và đến mấy năm gần đây thì dòng chảy ngầm ấy đã tràn ra mạnh mẽ. Nó được xuất hiện công khai và ngày càng lấn át các thể loại âm nhạc khác.
Sau bao nhiêu bài xích, ngăn cấm, bolero vẫn sống dai, vì sao? Chủ yếu vì nó đáp ứng được nhu cầu tình cảm, thẩm mỹ của rất đông người, nhất là giới bình dân, và quan trọng là dòng nhạc này đã cho ra đời nhiều ca khúc hay theo cách riêng của nó.
Con người vốn là một sinh thể phức tạp, lúc buồn lúc vui; khi cứng cáp, khi mềm yếu; khi hào hứng với tương lai, lúc lại trầm ngâm nhớ về quá khứ và ai lại chẳng có chuyện tình yêu của mình mà trong đó có khối chuyện tình buồn, chia ly, đổ vỡ... Không lẽ lúc nào con người cũng căng cứng, sống trong tâm trạng người chiến binh, người hùng? Bolero hay nhạc tình buồn nói chung đã nói lên nỗi lòng đó của con người bình thường. Dù thích hay không, nó vẫn có vị thế đường hoàng trong đời sống âm nhạc.
Và không chỉ sống được mà giờ đây nó đang tung hoành trên các phương tiện truyền thông, các sân khấu và thị trường băng đĩa với các cuộc thi rầm rộ, thậm chí nhiều ca sĩ chuyên hát “nhạc sang” cũng ráng tìm cách lấn sân bolero. Từ cực này sang cực khác, từ dòng nhạc bị lên án, cấm đoán nay nó trở thành dòng nhạc gần như chủ lưu trên truyền thông và hái ra khối tiền. Sở dĩ vậy, chủ yếu bắt nguồn từ phản ứng tâm lý của số đông người hâm mộ vốn bị dồn nén quá lâu và phần khác, quan trọng không kém, là do sự hăng hái “lăng xê” quá mức của các phương tiện truyền thông, với sự tài trợ của các nhà kinh doanh, quảng cáo.
Bolero hồi sinh - vui vì nó được nhìn nhận công khai, nhưng một khi nó đi quá đà thì không tránh khỏi lệch lạc, gây phản cảm. Trên một số tờ báo, diễn đàn đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng cho tình trạng lạm dụng này. Không khéo dòng nhạc bolero lại theo chân tình trạng tấu hài, thậm chí hài nói nhảm đang tràn ngập, làm mưa làm gió trên các màn ảnh nhỏ, sân khấu và thị trường băng đĩa!
Như trên có nói, đời sống tinh thần con người vốn đa dạng và phức tạp, cho nên âm nhạc - món ăn tinh thần của con người - cũng không thể đơn điệu, một chiều. Một nền âm nhạc lành mạnh luôn cần sự cân bằng, phong phú với nhiều thể loại, nhiều dòng nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của nhiều giới (ngay cả trong nhạc tình cũng cần nhiều sắc thái, phong cách khác nhau). Thử hỏi, nhạc thính phòng, dân ca, sử ca, nhạc thiếu nhi, nhạc sinh hoạt cộng đồng,... bao giờ được xuất hiện thường xuyên hơn trong các giờ vàng truyền hình và chính sách hỗ trợ để phổ biến, phát triển các dòng nhạc này đã thích đáng chưa, có hiệu quả ra sao?
Và đâu là trách nhiệm hướng dẫn dư luận của báo chí, và nhất là sự định hướng, điều chỉnh của giới chuyên môn và các cơ quan quản lý văn hóa, văn nghệ?
(*) Thời ấy, từ “nhạc vàng” được đặt ra chủ yếu để phê phán dòng nhạc viết về tình yêu lãng mạn (thường là tình buồn, tình tan vỡ) với tiết nhịp chậm, giọng kể lể không chỉ sử dụng điệu bolero mà cả với những điệu nhạc khác như rumba, slow, habanera...