Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Chuyện nước ngập và văn hóa CEO

Nguyễn An Sa

(TBKTSG Online) - Ông sếp người Nhật cho nhân viên nghỉ sớm trước một tiếng để về nhà, còn mình thì ngồi lại làm việc đúng giờ quy định mới chịu về. Ông lo mọi người sẽ kẹt trong nước ngập.

Chuyện có thật tại một công ty truyền thông nằm ở quận 1, TPHCM. Một nhân viên nữ trong công ty này cảm động nói, đại ý, làm việc với người Nhật học được ở họ nhiều thứ. Trước tiên là nguyên tắc, kỷ luật, là tinh thần “tận hiến” sáng tạo cho sự phát triển, nhưng, điều quan trọng hơn, là cũng học được ở họ tinh thần vì cái chung, vì con người. Những khi cần vì con người, vì cái chung, họ có thể điều tiết kỷ luật một cách hợp tình, hợp lý.

Cô kể thêm chuyện một lần khác, ông sếp Nhật dẫn cả nhóm nhân viên Việt Nam đi ăn trưa - nói là ăn trưa, nhưng thực chất ngó đồng hồ thì cũng đã qua xế. Vào bàn, nhân viên Việt Nam gọi mỗi người mỗi món, toàn những món cầu kỳ chế biến từ hải sản, trong khi đó, ông sếp chỉ gọi một đĩa cơm và dĩa rau củ luộc. Nhân viên thắc mắc, ông sếp chỉ cười cho qua chuyện. Đến khi mọi người đã ăn xong, ông mới giải thích: “Thiệt tình là giờ này quán vãn khách rồi. Chúng ta gọi thêm quá nhiều thứ cầu kỳ, các nhân viên lại mất giờ nghỉ ngơi. Chưa nói, những đồ chiên, xào mỗi thứ một món sẽ phải tốn rất nhiều nước và chất tẩy rửa can dự vào môi trường. Đó là lý do tôi chọn món đơn giản”.

Các nhân viên Việt Nam nhìn nhau ngơ ngác. Hóa ra câu chuyện chọn một món ăn ở vị sếp người Nhật tưởng chừng khắc kỷ này lại có cả một triết lý sống tối giản mà phía sau đó là sự chi li tính toán vị tha và hài hòa với môi trường được hình thành từ trong phản xạ, hành vi tiêu dùng. Tất cả là lối sống, được bộc lộ một cách tự nhiên, không cần đến một khẩu hiệu giáo điều nào.

Sự phù phiếm, tính kỷ luật máy móc, nửa vời và thiếu triết lý dẫn đạo là điều dễ thấy ở đa số các nhà lãnh đạo Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Điều này có thể nhận thấy trong văn hóa công ty, trong những buổi tiệc tùng, tiếp khách sa đà phung phí và nhất là trong hành xử trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phong cách làm việc (để phân biệt với kỷ luật) được dựng lên trong nhiều công ty thường ít phục vụ cho con người và sự phát triển chung, nhưng là công cụ để củng cố uy quyền của người lãnh đạo. Phong cách đó bất di bất dịch và biến những con người làm việc trở thành những cỗ máy thỏa hiệp, trung thành vô điều kiện; biến sự lao động không đặt trên nền tảng cảm hứng và niềm vui sáng tạo mà chỉ với mục đích: đảm bảo thu nhập và sự thăng tiến. Nguồn nhân lực sáng tạo, tính cá nhân sáng tạo không là chủ thể được tôn trọng, mà chủ thể lại là cái tên của công ty.

Tại công ty người Nhật điều hành nói trên cũng đã xảy ra một câu chuyện thú vị. Một lần nọ có cậu nhân viên thực tập bị ngất xỉu trên đường đi làm. Sau khi vào bệnh viện, chuyền nước, tỉnh dậy, cậu ta lái xe thẳng đến công ty và làm việc cho đến 10 giờ tối rồi gục trên bàn làm việc. Một thời gian sau, cậu này thôi việc, không phải vì không đủ sức khỏe làm việc, nhưng trong mắt của người quản trị nhân sự, thì việc không biết tự chăm sóc cho sức khỏe trong những trường hợp như thế thì không có gì đảm bảo đây sẽ là một nhân viên giỏi về sau.

Trở lại câu chuyện ông sếp cho nhân viên về sớm để tránh bị kẹt xe, ngập đường. Đằng sau sự quan tâm đó có một thứ triết lý hướng tới giá trị vừa cá nhân vừa xã hội. Ông hiểu điều đó vừa tốt, an toàn nhân viên của mình, lại vừa giúp giảm tải cho những con đường hỗn loạn của Sài Gòn khi mưa xuống, nước ngập và chẳng có luật lệ nào điều tiết. Các nhân viên lại cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, gắn bó và trung thành hơn với những giá trị mà công ty theo đuổi.

Còn ông thì vẫn giữ kỷ luật, ngồi lại làm việc theo giờ quy định mới đóng cửa ra về.