(TBKTSG) - 1. Một ngày cuối tháng 7 vừa rồi, 187 hành khách đang trong tư thế ổn định ngồi thắt dây an toàn trên chuyến bay NZ268 chuấn bị sẵn sàng cất cánh lúc 9 giờ 45 tối để bay thẳng từ Sài Gòn đến Auckland đã được hãng hàng không thông báo là chuyến bay bị hoãn do một trong ba phi công bị ngộ độc thực phẩm.
Đại diện hãng thành thật cáo lỗi và cho biết sẽ bố trí 187 phòng tại khách sạn cho hành khách nghỉ đêm để chuẩn bị cho chuyến bay dự định khoảng 1 giờ chiều ngày hôm sau. Mặc dù các cơ quan chức năng của sân bay đã hỗ trợ hết sức mình nhưng phải quá nửa đêm hành khách mới thoát khỏi ải thủ tục và lên xe buýt về khách sạn.
Câu chuyện có lẽ đã dừng ở đây nếu như không có chuyện to tiếng của một nhóm hành khách người Việt với một nam nhân viên cũng là người Việt Nam ở một khách sạn 5 sao gần sân bay. Người nhân viên này sau khi nhìn thấy hộ chiếu Việt Nam đã đề nghị hai hành khách nam ở chung một phòng. Lời đề nghị này có thể được xem là khiếm nhã với người da trắng nhưng với dân châu Á hay người Việt Nam với tinh thần vốn dĩ tiết kiệm cũng được chấp nhận. Thế nhưng câu nói: “Khách sạn chỉ còn phòng một giường cho nên tối nay hai anh chịu khó nằm chung” khiến cả đoàn khách người Việt đùng đùng phản đối. Và không khí càng căng thẳng hơn khi nhân viên này đề nghị: “Vậy các anh đứng sang một bên để tôi giải quyết cho những người khách phía sau”.
Lúc đó đã gần 1 giờ sáng, tức giận trước thái độ ban phát kẻ cả như vậy, những hành khách người Việt đã yêu cầu gọi giám đốc khách sạn xuống giải quyết. Họ không còn “du di” chuyện ở chung phòng với điều kiện phải có giường riêng cho hai người nữa. Họ hiểu quyền lợi của mình và đối với họ việc “đứng sang một bên” để cho khách da trắng xếp hàng phía sau nhận phòng trước là điều không thể chấp nhận.
Vụ việc đã được phản hồi cho đại diện của hãng hàng không vào sáng hôm sau, không rõ hãng có ý kiến gì với khách sạn, và nếu có thì ban giám đốc khách sạn 5 sao này sẽ xử lý như thế nào với cậu nhân viên đã có hành vi phân biệt đối xử với đồng bào mình ngay trên quê hương xứ sở? Chuyện đã chẳng ầm ĩ nếu ngay từ đầu cậu ấy làm đúng theo nguyên tắc 187 phòng/187 khách, ngoại trừ trường hợp khách đề nghị: “Tối nay chúng tôi muốn ngủ chung giường!”.
2. Có một người chăn cừu thường cho bầy cừu của mình kiếm ăn ngoài đồng cỏ thì một hôm trời bỗng nổi cơn mưa gió bão bùng. Anh bèn lùa bầy cừu của mình vào hang để tránh bão. Trong hang, anh đã chuẩn bị sẵn một ít cỏ khô để cho đàn cừu của anh ăn khi chúng đói. Và rồi anh phát hiện một vài con dê rừng đã chạy vào hang trú trước. Người chăn cừu thấy đây là cơ hội để tăng số lượng thú nuôi nên đã không đuổi dê rừng đi mà còn lấy cỏ khô cho chúng ăn mặc dù đàn cừu của anh đang đói. Trời quang mây tạnh, đàn cừu của anh chạy ra ngoài đồng cỏ kiếm ăn. Các chú dê rừng cũng chạy ra ngoài nhưng lại nhanh chóng trốn sang hướng khác.
Thấy vậy, người chăn cừu ngạc nhiên và kêu lên: “Này, bọn dê rừng kia, tại sao các ngươi lại bỏ trốn? Chẳng phải ta đã đối xử tốt với các ngươi sao? Ta còn cho các ngươi trú trong hang, thậm chí còn cho các ngươi ăn cỏ khô để dành trong đó”. Lũ dê rừng chạy trốn nghe vậy bèn ngoái đầu dừng lại và con đầu đàn cất tiếng nói: “Chúng tôi cám ơn lòng hiếu khách của ông. Ông tốt với chúng tôi. Ông cho chúng tôi chỗ trú ngụ lúc trời mưa bão và còn cho chúng tôi ăn nữa. Nhưng thức ăn mà chúng tôi ăn lẽ ra phải dành cho đàn cừu của ông. Ông đối xử tốt với chúng tôi, nhưng lại tệ bạc với chính đàn cừu của mình. Chúng tôi không muốn trở thành những con cừu của ông”.
Câu chuyện ngụ ngôn của Ê-dốp nói trên có thể giúp bạn liên hệ đôi chút với trường hợp ở đầu bài và cách đối đãi của người Việt Nam chúng ta với du khách hay nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhiều cơ quan nhà nước hay đơn vị cung cấp dịch vụ ở trung ương hay địa phương của ta sẵn sàng dành những ưu đãi và điều kiện thuận lợi nhất cho nhà kinh doanh và đầu tư nước ngoài trong khi doanh nghiệp trong nước lại gánh chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhiều lãnh đạo tưởng rằng như vậy là Việt Nam sẽ có thêm bạn mới, những đối tác mới nhưng chắc hẳn nhiều người nước ngoài cũng đã từng đọc chuyện ngụ ngôn của Ê-dốp.
Được trải thảm đỏ vào Việt Nam, ngoài miệng thì cám ơn lòng hiếu khách của các cơ quan nhà nước nhưng bạn có biết họ vẫn luôn tỉnh táo và khôn ngoan. Cũng giống như lũ dê rừng, khi cần thì chui vào hang của người chăn cừu để tránh mưa bão và may mắn được cho ăn nhưng chẳng bao giờ dại dột đi theo kẻ đã bạc đãi đàn cừu là những gì gần gũi nhất chung quanh mình.
3. Bạn có thể buồn khi đọc bài viết này thậm chí giận dữ khi nhớ lại những tình huống mà bản thân, bạn bè hay đồng nghiệp bị chính người Việt ngược đãi. Bạn có thể so sánh Việt Nam với những quốc gia phát triển khác như Mỹ hay Úc đã luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi người dân của mình. Bạn có thể hỏi tại sao cửa khẩu ở các sân bay quốc tế lớn như Tân Sơn Nhất hay Nội Bài không có cổng hay quầy dành riêng cho công dân Việt Nam và nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập lâu dài ở Việt Nam như những nước khác đã làm.
Có một số người cầm quyển hộ chiếu Việt Nam mà cảm thấy tự ti khi ra nước ngoài. Có một số người đã có điều kiện sang định cư ở Mỹ, ở Úc hay châu Âu không muốn tiết lộ mình là người Việt Nam và đối với họ, hộ chiếu nước ngoài hay tấm thẻ xanh là dấu chỉ thành đạt... Nhưng tất cả điều đó ngẫm ra cũng chẳng có gì là ghê gớm so với chuyện cảm nhận sâu sắc hơn về gốc rễ và bản sắc của dân tộc mình sau những lần bước ra thế giới bên ngoài.
Tấm hộ chiếu Việt Nam, dẫu còn khiêm tốn, nó có thể cho phép bạn đi đến 48 quốc gia khác mà không cần xin visa. Nếu bạn là doanh nghiệp, bạn có thể được cấp thẻ APEC để du lịch hay công tác thuận lợi ở những quốc gia phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không nhất thiết phải lấy quốc tịch nước ngoài, cầm trên tay tấm hộ chiếu Việt Nam có bìa màu xanh, với kỹ năng nghề nghiệp và biết tiếng Anh, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, bạn sẽ trở thành công dân toàn cầu. Bạn vẫn luôn hướng về Tổ quốc, về quê hương nhưng có quyền chọn một nơi chốn nào đó gọi là “home” bởi nơi đây có công ăn việc làm hay tự kinh doanh tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và lo cho gia đình con cái ăn học nên người. Rồi bạn sẽ quên những gì tiêu cực ở Việt Nam nhưng bên tai vẫn còn văng vẳng giai điệu “Giận thì giận, thương thì thương” hay thành ngữ “Thương nhau chín bỏ làm mười” của người Việt. Cuối cùng, bạn nghiệm ra rằng muốn mảnh đất hình chữ S trở thành là điểm đến thịnh vượng đáng sống thì người chăn cừu nên đối đãi tử tế với đàn cừu của mình trước, rồi sau đó mới tính đến chuyện thu phục lũ dê rừng ở bên ngoài đến làm giàu cho đất nước và quê hương Việt Nam.