(Dân Việt) Chợ Sơn (Hương Khê), ngôi chợ trung tâm của 21 xã, thị trấn, và là ngôi chợ lớn nhất ở huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Tĩnh bị cháy. Xe cứu hỏa phải chạy hơn 60 km từ thành phố Hà Tĩnh đến hiện trường để chứng kiến toàn bộ ngôi chợ đã trở thành tro than...
Giống như hầu hết các huyện lỵ trên đất nước này, Hương Khê không có xe cứu hỏa, cho dù ở cái huyện miền núi heo hút ấy có những người giàu, sở hữu một trong những chiếc xe đắt tiền nhất thế giới. Hương Khê cũng không phải địa phương duy nhất có sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp đến thế. Ở Hà Giang, tỉnh nghèo nhất nước, nơi có đến 50% dân số là người nghèo thì cũng là nơi mà có phong trào chơi nhà sàn bằng gỗ quý với trị giá hàng chục tỷ đồng.
Điều gì đã khiến cho ở những nơi rất nghèo như thế, nơi phần đông dân chúng nghèo, rất nghèo, nhưng luôn có những người giàu, rất giàu?
Những người rất giàu ở những nơi rất nghèo, họ là ai, điều gì khiến họ khác biệt với đa số người nghèo ở nơi đó?
Người sở hữu chiếc xe Rolls-Royce Phantom Dragon Edition, trị giá bằng cả đội xe cứu hỏa, ở Hương Khê là ông Trần Văn Thạch, một doanh nhân kinh doanh lâm sản.
Những người giàu có thú chơi nhà sàn gỗ quý ở tỉnh nghèo Hà Giang chủ yếu là quan chức địa phương.
Ở những địa phương nghèo, rất nghèo như Hương Khê (Hà Tĩnh) hay ở tỉnh Hà Giang, cơ hội để trở nên giàu có, hoặc đơn giản là thoát nghèo, không có nhiều. Chủ yếu là tài nguyên, là rừng, là mỏ quặng, là các nguồn dự án đầu tư phát triển từ ngân sách… Và sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, cơ bản là khả năng tiếp cận các cơ hội đó.
Các chính sách xóa đói giảm nghèo, các chương trình phát triển được triển khai ở các địa phương nghèo lâu nay vẫn loay hoay với câu chuyện cần câu và con cá. Những phong trào thiện nguyện mang đến con cá, tức là hỗ trợ người dân nghèo cái ăn cái mặc để giải quyết vấn đề trước mắt.
Các NGO (tổ chức phi chính phủ) mang đến cần câu, là công cụ, phương pháp, kỹ năng, mô hình phát triển. Cho con cá, người ta ăn hết sẽ chờ con cá khác, còn cho cần câu thì sao? Về lý thuyết, có cần câu thì người ta sẽ câu được cá. Nhưng, ông Trần Nam Bình, một chuyên gia tư vấn phát triển có lần đã hỏi tôi câu này: Bạn có cần câu, nhưng bạn có được câu ở chỗ có cá hay không?
Những chiếc cần câu để thoát nghèo, đó là điều cần có. Song, bao nhiêu người dân có thể mang cần đến câu ở những chỗ có cá? Bao nhiêu người dân có thể tiếp cận các cơ hội để trở nên giàu có? Tài nguyên gỗ ở Hương Khê là một khối tài sản khổng lồ, song bao nhiều người có thể buôn gỗ để mua xe Rolls-Royce như ông Trần Văn Thạch?
Ngân sách Trung ương cấp cho Hà Giang mỗi năm tới hàng chục ngàn tỷ đồng, song bao nhiêu người dân có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn tiền đó, để có thể đủ ăn, đủ mặc chứ chưa nói tới việc “chơi” nhà sàn bạc tỷ?
Sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận tài nguyên, tiếp cận những cơ hội thoát nghèo, hoặc làm giàu luôn là một thực tế diễn ra trong cuộc sống này. Song, cùng trong một cộng đồng mà có người nhờ tiếp cận được cơ hội làm giàu từ tài nguyên để có thể sở hữu một chiếc xe trị giá cả đội xe cứu hỏa, trong khi cả cộng đồng thì tuyệt vọng nhìn đám cháy thiêu đốt tài sản mà không có xe cứu hỏa để dập lửa, thì điều đó không còn là bất bình đẳng nữa.
Đó là bất bình thường. Nó cũng bất bình thường như việc trong khi đại bộ phận người dân phải gùi từng tấm fibro leo lên đỉnh núi để che nắng che mưa thì một số ít quan chức địa phương lại sưu tầm nhà gỗ quý.
Trong một cộng đồng, một xã hội, sẽ khó có thể đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối, không thể tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau. Song, một xã hội bình thường là một xã hội có cơ chế điều tiết lợi ích từ những người có khả năng tiếp cận cơ hội, tài nguyên để chia sẻ trở lại cho cộng đồng của mình. Ở một xã hội bình thường, người ta không thể trầm trồ nhìn chiếc xe Rolls-Royce đi qua đám đông đang tuyệt vọng nhìn một đám cháy không được cứu hỏa.
Sự bất bình đẳng có thể tạo nên một cộng đồng có những người rất giàu giữa những người rất nghèo. Song một xã hội tồn tại trong một trạng thái bất bình thường có thể tạo nên những đám cháy không thể nào cứu nổi.