Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Thủ tướng: ‘Con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động’

Trí Lâm

MTG - Dẫn lại câu nói “Con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu chúng ta không gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, không phản ứng kịp thời trước các vấn đề đặt ra thì làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ?

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế

Thông tin trên được Thủ tướng nêu ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, tổ chức vào sáng 1.8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã giao ngay nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khóa mới với tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng đề nghị, cần tránh tình trạng phản ứng chậm, lúng túng trước các vấn đề phát sinh; hoặc tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước còn có hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Theo người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế của mình và đổi mới phương pháp làm việc, chủ động, quyết liệt, đề cao trách nhiệm cá nhân, làm việc vì sự nghiệp chung, vì lợi ích nhân dân.

“Nếu chúng ta không gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, không phản ứng kịp thời trước các vấn đề đặt ra thì làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tuyệt đối không có hành vi tham nhũng tiêu cực, tất cả vì sự nghiệp chung. Không được làm bất cứ việc gì có hại cho dân, từ lời nói đến hành động phải hướng đến tinh thần Chính phủ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước; sử dụng tiết kiệm; không chi tiêu tiền thuế của dân bất hợp lý, Thủ tướng nêu rõ.

Dẫn lại phát biểu của một đại biểu Quốc hội cho rằng “con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng nhắn nhủ các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, đồng thời yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó thủ tướng.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành khẩn trương ban hành quy chế làm việc của bộ, ngành mình. Trong đó, cần phải minh bạch và chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Phải minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng.

 “Các Bộ trưởng, là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các hoạt động, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình” – Thủ tướng nói.

Không để dư luận nêu rồi mới chạy theo xử lý

Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác dự báo, bảo đảm sát tình hình, chính xác, kịp thời, đồng thời đưa ra phương án, kịch bản cụ thể, rõ ràng để ứng phó tình huống có thể xảy ra.

“Các đồng chí phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin. Không được để tình trạng Bộ trưởng không biết, không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc. Không để dư luận nêu vấn đề rồi mới chạy theo xử lý”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này; phải phân công đúng người đúng việc; tạo môi trường công tác tốt để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường. Chú trọng rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, xác định vị trí việc làm.

Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác.

“Trong nhiệm kỳ này, chúng ta phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, gây mất niềm tin trong nhân dân”. Thủ tướng khẳng định.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này, Chính phủ sẽ nghe các cơ quan chủ trì trình bày 8 dự thảo dự án Luật và 3 dự thảo Nghị định gồm: Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công an xã; Luật Quản lý Ngoại thương; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư kinh doanh; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quy hoạch;

Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cuối cùng là Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.