(TBKTSG) - Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã huy động được 186.660 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ (chiếm 92,15% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay) thì từ đầu năm 2016 đến nay dòng vốn huy động ngoài ngân sách có dấu hiệu giảm.
Mới huy động được hơn 27.000 tỉ đồng
“Kỳ tích” huy động vốn của Bộ GTVT trước đây đã không còn được nói đến trong năm 2016. Trong quí 1, bộ này chỉ huy động được 3.350 tỉ đồng để đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 60 đoạn nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên theo hình thức BOT và dự án thu phí tự động không dừng trên quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên theo hình thức BOO. Con số huy động được trong quí 1 chỉ đạt vỏn vẹn 9% kế hoạch năm 2016. Báo cáo sơ kết sáu tháng đầu năm 2016 của Bộ GTVT không hề nhắc đến số vốn huy động được ngoài ngân sách để đầu tư cho các dự án trong khi sáu tháng cùng kỳ năm trước, Bộ GTVT huy động được hơn 27.000 tỉ đồng để đầu tư cho 11 dự án BOT đường bộ.
Nguồn vốn dự kiến giải ngân cho các dự án giao thông năm 2016 được công bố là 67.294 tỉ đồng, trong đó có 500 tỉ đồng hoàn ứng, thấp hơn số vốn giải ngân trong năm 2015 hơn 20.000 tỉ đồng (năm 2015 số vốn giải ngân cho các dự án là 89.907 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ giải ngân đạt 51.694 tỉ đồng, vốn ngoài ngân sách giải ngân đạt 38.213 tỉ đồng).
Trong sáu tháng đầu năm 2016, Bộ GTVT giải ngân đạt 27.883 tỉ đồng, chỉ đạt 41,7% kế hoạch năm 2016.
Vì sao giảm?
Nếu như trong giai đoạn từ 2012-2014, các nhà đầu tư xếp hàng để xin được đầu tư các dự án BOT mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ) thì nay chính họ lại tỏ ra dè dặt với các dự án BOT.
Một nhà đầu tư đang thực hiện dự án BOT tại TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho biết, sở dĩ trong năm năm qua Bộ GTVT huy động được hàng trăm ngàn tỉ đồng để đầu tư các dự án là vì dự án mở rộng quốc lộ 1A được coi như miếng bánh ngọt “béo bở” cho các nhà đầu tư. Đây là tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam, lượng xe đi lại rất đông nên việc thu hồi vốn thông qua thu phí là điều không cần phải suy nghĩ. Hơn nữa, nhà đầu tư không phải làm tuyến đường mới mà chỉ mở rộng trên nền đường có sẵn. Chính vì vậy, các nhà đầu tư xin “xếp hàng” để được đầu tư, thậm chí có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra thi công ngay, sau đó xin cấp giấy phép đầu tư sau.
Đến khi miếng bánh trên không còn nữa, cộng với sự phản ứng của người dân và doanh nghiệp vận tải về mức phí BOT và số trạm thu phí mọc lên dày đặc, về tình trạng phí chồng phí khi họ vừa phải đóng phí BOT vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm thì các nhà đầu tư bắt đầu chùn bước.
Hơn nữa, cách làm BOT theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó” (vốn làm đường đa phần đi vay ngân hàng, phần lãi cũng được tính vào tổng mức đầu tư của dự án) không còn được ngân hàng ủng hộ và đã bị siết lại.Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Bộ GTVT diễn ra hồi giữa tháng 7, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, trong thời gian tới, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ thực hiện trên tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn giữa đường thu phí và không thu phí. Một nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết, bộ này đang cho rà soát lại 15 dự án BOT đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Nếu các dự án này không nằm trên tuyến đường mới như chủ trương mới của Bộ GTVT thì có thể sẽ không được đầu tư nữa.
Tại một buổi tọa đàm ở Hà Nội hồi giữa tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, sắp tới các dự án BOT sẽ được minh bạch hơn bằng việc công bố cụ thể các hạng mục đầu tư, lưu lượng xe đi trên tuyến đường và doanh thu phí để người dân giám sát. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc công khai số liệu như vậy là chưa đủ và cần dỡ bỏ điều khoản “mật” trong hợp đồng BOT, khi người dân giám sát được hợp đồng thì đó mới là sự minh bạch thật sự.
Thế nhưng khi người dân và doanh nghiệp yêu cầu sự minh bạch thì một số nhà đầu tư mở rộng quốc lộ 1A than thở rằng họ đang bị ép từ quản lý suất đầu tư, phí nhân công, giá vốn cho đến mức thu phí. Thậm chí họ còn dọa tẩy chay các dự án BOT giao thông.
Trước đây khi nhà đầu tư tư nhân ồ ạt rót vốn vào các dự án BOT giao thông, Bộ GTVT dự kiến, giai đoạn từ 2016-2020, sẽ có nguồn vốn khổng lồ lên đến khoảng 235.000 tỉ đồng ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. Thế nhưng với những tín hiệu không mấy khả quan trong sáu tháng đầu năm nay thì xem ra việc huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ không còn dễ dàng như trước.