Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Luật “ông”, luật “bà”

ĐÀO TUẤN

LĐO - Hàng trăm. Vâng, hàng trăm điều luật, điều khoản, quy định... đang như những chiếc barie ngăn cản quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân.

Hàng trăm điều luật - hiển hiện trong những cái lắc đầu lạnh lùng “Luật quy định thế!” của người thừa hành.

Hàng trăm điều luật đã rất lạc hậu cổ lỗ, hoặc trùng lắp - được phát hiện trong chỉ “bước đầu rà soát 37 luật”.

Đây là con số Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn vừa nêu ra.

Để tình trạng luật muốn hiểu thế nào cũng được, để thực tế muốn áp dụng luật nào tùy... thái độ - có lẽ, đó là những lỗ hổng quá lớn, quá nghiêm trọng!

Có một ví dụ thế này: Một doanh nghiệp chở “mấy cây sắt dài 6m”. Chở thẳng thì cây sắt thò ra thùng xe, kiểu gì cũng bị CSGT hỏi thăm. Cuộn lại và dựng lên thì cuộn sắt cao hơn thùng. Lỗi quá khổ! Khỏi cãi. Để trót lọt, doanh nghiệp này phải cắt đoạn, cuộn thành những cuộn nhỏ. Thế là “cơ quan chức năng”, mà ở đây là quản lý thị trường “hỏi thăm”, rằng tại sao lại không có tem nhãn ở tất cả các cuộn thép?

Chuyện kể ở các diễn đàn, các phòng họp thì rõ ràng rất “gây cười”. Nhưng ở ngoài thực tế, trong thân phận những “doanh nghiệp bò sữa” đó là sự bất bình, đó là nỗi uất ức, đó, không ngoại lệ - là việc “tự nguyện phải chung chi, bôi trơn” cho xong việc.

Hay như quy định về hàng hóa cấm, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, trong khi Luật Đầu tư có hẳn danh mục quy định cụ thể thì Luật Thương mại “giao Chính phủ quy định chi tiết”.

Câu hỏi không ở chỗ “biết áp dụng quy định nào” mà là “Người thừa hành muốn áp quy định luật nào” tùy... thái độ.

Ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã khát khao đề đạt nguyện vọng được cởi trói của doanh nghiệp.

Bởi những “ông chẳng bà chuộc”, những vô lý, những rào cản, những trói buộc đó đang như chiếc gông đeo trên thân thể vốn đã không khỏe khoắn gì của doanh nghiệp Việt.

Xin hãy lắng nghe những tiếng lòng cháy bỏng của người dân, của doanh nghiệp. Xin hãy chấm dứt ngay tình trạng, chẳng hạn: Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai; Luật Doanh nghiệp đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo; Luật Đầu tư được thiết kế theo phương án chọn bỏ, luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho; “luật ông” thì bảo hậu kiểm, “luật bà” lại bắt tiền kiểm.

Bởi điều đó không chỉ khiến doanh nghiệp, người dân không thể lớn nổi mà còn tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực.